Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/10/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/10/2023

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/10/2023. Cập nhật môi trường mới nhất hôm nay 24/10/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mới vào cuối tuần

Dự báo khoảng 27-28/10, nước ta đón một đợt không khí lạnh mới, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cục bộ mưa vừa, mưa to.

Cụ thể, nhận định hình thế thời tiết từ đêm 23 đến ngày 2/11, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, ngày 26/10, Bắc Bộ mưa rào rải rác và có nơi có dông. Ngày 27-28/10, khu vực này mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa vừa, mưa to. Từ đêm 28/10, Bắc Bộ đêm và sáng trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét.

tm-img-alt
Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mới vào cuối tuần

Bắc và Trung Trung Bộ mưa rào và dông rải rác trong các ngày từ chiều tối 27-28/10, riêng phía Bắc cục bộ mưa vừa, mưa to. Phía Bắc từ đêm 29/10 trời lạnh về đêm và sáng.

Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và tối ngày 26/10 mưa rào và dông rải rác.

Yên Bái: Phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH

Hơn 60 đại biểu là đại diện các Sở, ngành, Ban quản lý các khu công nghiệp; Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái đã tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hà Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng: Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng với sự nỗ lực của tập thể các bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành TN&MT. Nhờ đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, bước đầu kiểm soát và kiềm chế được tốc độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, giảm thiểu tác động của BĐKH.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trong luật, ngoài những vấn đề về môi trường có riêng 01 chương (Chương VII) với 08 Điều quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đặc biệt nhấn mạnh: Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đồng thời Đại hội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ “bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”.

z4812716344976_fa9b7257498c9e69f548f9e08494292e-1-.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Chính vì vậy, việc triển khai hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ góp phần bảo đảm thi hành Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu quả và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường và BĐKH.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên Sở TN&MT đã truyền tải đến các đại biểu các nội dung trọng tâm của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như: Bảo vệ môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất; phân vùng môi trường và nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh; đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác; quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường; phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường…

Đồng thời, báo cáo viên của Sở TN&MT cũng đã nêu lên thực trạng công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh và một số chương trình, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường cần lưu ý triển khai trong thời gian tới.

Đối với việc phổ biến, triển khai các quy định của pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, báo cáo viên nhấn mạnh một số nội dung về chủ trương, chính sách; văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH, đồng thời, các nội dung quy định quan trọng về BĐKH.

Tại hội nghị, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái mong muốn tiếp tục nhận được đề xuất, kiến nghị và các giải pháp của các đơn vị nhằm nâng cao công tác công tác quản lý về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Được biết, trong thời gian tới Sở TN&MT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tới các doanh nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất hỗ trợ hơn 5.000 tỉ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng, miền, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển làm 149 người chết, mất tích, 118 người bị thương; làm sập 888 ngôi nhà, 14.278 nhà hư hỏng, tốc mái; trên 147 nghìn ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại, 3.499 ha nuôi trồng thủy sản, 103 lồng bè bị thiệt hại; 100,14 km đê, kè, kênh mương bị sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính trên 6.807 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do mưa lũ tại khu vực miền Trung).

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã nhận được báo cáo của 33 tỉnh (14 tỉnh miền núi phía Bắc; hai tỉnh đồng bằng Bắc Bộ: Nam Định, Ninh Bình; 5 tỉnh Tây Nguyên, 12 tỉnh miền Trung), trong đó các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định có báo cáo nhưng không đề nghị hỗ trợ. UBND các tỉnh còn lại đã có văn bản báo cáo về thiệt hại, nhu cầu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ 15.312 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, khắc phục khẩn cấp sạt lở.

5 tỉnh (10 tỉnh miền núi phía Bắc và 5 tỉnh Tây Nguyên) đề nghị hỗ trợ 2.133 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu. 7 tỉnh (4 tỉnh miền núi phía Bắc, một tỉnh Tây Nguyên và hai tỉnh miền Trung) đề nghị hỗ trợ 556,2 tỷ đồng để di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai. 28 tỉnh đề nghị hỗ trợ 12.623 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp sạt lở.

Căn cứ văn bản đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố, tình hình thiên tai và công tác khắc phục hậu quả; kết quả khảo sát thực địa của đoàn công tác liên ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổng hợp báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 5.005 tỷ đồng cho 30 tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở thời gian vừa qua và di dời dân cư khẩn cấp vùng thiên tai. Trong đó, hỗ trợ 13 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 1.135 tỷ đồng, hỗ trợ 25 tỉnh khắc phục khẩn cấp sạt lở với tổng kinh phí 3.375 tỷ đồng, hỗ trợ 7 tỉnh di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai với tổng kinh phí là 495 tỷ đồng.

“Tổng kinh phí Chính phủ cho phép là 6.000 tỷ đồng, Ban Chỉ đạo đề xuất hơn 5.000 tỷ đồng, số gần 1.000 tỷ đồng còn lại để dự phòng, từ nay đến cuối năm thiên tai còn rất phức tạp”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, việc khắc phục hậu quả thiên tai là vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải quyết định kịp thời. Dẫn chiếu các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế, đồng thời tổng hợp nhu cầu của các địa phương, báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi một số nội dung liên quan đến quy định sử dụng nguồn kinh phí, danh mục dự án đề xuất hỗ trợ…

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm cùng với địa phương khắc phục hậu quả thiên tai để bảo đảm đời sống nhân dân. Khắc phục hậu quả thiên tai phải làm nhanh, để chậm không có ý nghĩa và không giải quyết nhu cầu thực tế, thậm chí còn để lại hậu quả nặng nề hơn.

Phó Thủ tướng đánh giá cao ba địa phương là Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định có bị ảnh hưởng của thiên tai nhưng không đề xuất Trung ương hỗ trợ mà sử dụng ngân sách địa phương để khắc phục. Đối với 30 địa phương đề xuất hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải chịu trách nhiệm về số liệu, nội dung, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, bảo đảm sử dụng đúng quy định.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai rà soát lại nội dung trình, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với các bộ ngành, địa phương thống nhất danh mục, đảm bảo đúng đối tượng; sử dụng nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật… Chậm nhất ngày 27/10, Ban Chỉ đạo phải hoàn thiện tờ trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Hội thảo chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Ngày 24/10, tại TP. Vũng Tàu, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo, đề xuất giải pháp hoàn thiện”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá tiềm năng biển đảo Việt Nam, tổng quan về quá trình hình thành và hoàn thiện pháp luật về biển và hải đảo; tổng quan chính sách, pháp luật về giao khu vực biển và tình hình tực hiện thời gian qua, những vấn đề mới đặt ra cần giải quyết, định hướng tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới… Hội thảo cũng nhận được các báo cáo tham luận của các Sở TN-MT về việc thực thi pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại địa phương, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất… trong việc thực thi pháp luật biển và hải đảo.

Quảng Trị: Lũ trên các sông lên nhanh, ngập lụt nhiều điểm

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Quảng Trị cho biết từ sáng sớm 24/10, địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến 30-65 mm, một số nơi cao hơn như Cửa Việt (huyện Gio Linh) 74mm, Ba Lòng (huyện Đakrông) 75mm, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh) 111mm, Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh) 114mm.

Mưa lớn khiến mực nước trên các sông: Ô Lâu, Hiếu, Thạch Hãn, Bến Hải đang lên nhanh; trong đó sông Ô Lâu đã xấp xỉ báo động 2, những sông còn lại gần báo động 1.

Điểm giao giữa đường Lê Thánh Tông và Thanh Tịnh ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) bị ngập do mưa lớn. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Điểm giao giữa đường Lê Thánh Tông và Thanh Tịnh ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) bị ngập do mưa lớn. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Mưa lớn gây ngập lụt tại một số điểm ở các tuyến đường vùng thấp trũng, ngầm tràn vùng núi làm chia cắt giao thông tạm thời.

Cụ thể, huyện miền núi Đakrông có 10 ngầm tràn bị ngập lụt từ 1-1,5m như Ba Lòng, A Ngo-A Bung, Tà Rụt-A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng, La Tó.

Huyện miền núi Hướng Hóa có 4 cầu tràn bị ngập lụt từ 0,5-1 m gồm Tả Xía, Ván Ri, Cheng, Bản Bù. Ở huyện Hải Lăng, một số tuyến đường thôn, liên xã thuộc vùng thấp trũng như Hải Phong, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Định và trị trấn Diên Sanh đã bị ngập.

Tại thành phố Đông Hà, một số điểm trên các tuyến đường Lê Thánh Tông, Phan Đình Phùng, Lê Lợi… bị ngập sâu cục bộ từ 0,2-0,7m.

Tỉnh còn khoảng 1.500ha lúa rẫy, 5.300ha sắn và rau màu chưa thu hoạch; tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và vùng đồng bằng; 2.900ha ao, hồ cùng nhiều lồng, bè nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn đối với nghề nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng công trình; đồng thời xây dựng, rà soát cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ đập; phương án hộ đê tại những khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Dự báo, địa bàn Quảng Trị tiếp tục có mưa to đến rất to trong những giờ tới, lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Công điện về việc tập trung ứng phó với mưa lũ.

Quảng Trị: Tìm giải pháp xử lý ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Sa Lung

Mở đầu cuộc họp, ông Võ Văn Hưng đặt câu hỏi: “Ô nhiễm sông Sa Lung nhiều năm không phát hiện ra hay chính quyền làm ngơ. Các ngành tại sao không phát hiện ô nhiễm, đã làm hết trách nhiệm để tìm và xử lý nguồn xả thải trên sông Sa Lung chưa?”.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Trường Khoa khẳng định, nước sông Sa Lung ô nhiễm. “Chất lượng nước sông Sa Lung có nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Mùi hôi có, nước sông đen nhưng nguồn gốc ô nhiễm vẫn cần thời gian để điều tra”, ông Khoa trình bày.

tm-img-alt
Nguồn nước sông Sa Lung bị ô nhiễm trầm trọng

Ông Khoa cho hay thượng nguồn sông Sa Lung có ba công ty và một số cơ sở chăn nuôi heo xả thẳng ra sông. 

Tháng 9/2023, Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị bị người dân phát hiện xả thải ra môi trường, nên bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng. Ông Nguyễn Trường Khoa cho rằng “thanh tra các công ty lúc nào cũng ngon hết. Có những lúc kiểm tra đột xuất nhưng không phát hiện xả thải”.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – thông tin người nuôi tôm dọc sông chịu thiệt hại lớn, thông số coliform vượt mấy nghìn lần do hậu quả của ô nhiễm.

“Chỉ tiêu thủy sản của ngành năm nay chắc chắn không đạt”, ông Vinh thừa nhận thiệt hại. Ô nhiễm được ngành nông nghiệp phát hiện từ tháng 5-2023 và kéo dài đến nay.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Văn Dũng, phát biểu: từ khi cá chết trên sông Sa Lung năm 2018, đơn vị xác định đây là điểm nóng để quan trắc, giám sát nhưng từ chỗ phát hiện đến tìm cho ra nguồn xả thải thì khó quá.

Đơn vị đã triển khai các biện pháp trinh sát dọc sông nhưng khó phát hiện hành vi sai phạm,Thượng tá Bùi Huy Điểu, phó Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị, khẳng định. 

“Khi họ xả thải, mình phải lấy được mẫu nước đi kiểm định mới xác định được nguồn xả thải. Chúng tôi cũng sẵn sàng mua thông tin từ người dân, đưa giá rất cao nhưng chưa tìm được. Đơn vị cố hết sức tìm ra để an lòng dân nhưng gặp khó khăn”, thượng tá Điểu nhìn nhận.

“Đi kiểm tra mà không phát hiện để dân phát hiện ra nguồn thải thì lỗi của anh kiểm tra. Ô nhiễm thì người dân bình thường cũng biết, nhưng ngành chức năng phải khoanh vùng, tìm ra nguyên nhân, đối tượng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Các đại biểu đề nghị đầu tư hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát xả thải. Ông Võ Văn Dũng cho hay một điểm quan trắc tự động có vốn đầu tư 3 – 4 tỉ đồng, sông Sa Lung cần ít nhất 2 – 3 điểm quan trắc, ngoài ra còn chi phí vận hành, kết nối… 

“Đơn vị đang lập kế hoạch, trình tỉnh phê duyệt nhưng kinh phí lớn nên cần thực hiện theo lộ trình”, ông Dũng nói. 

Ông Võ Văn Hưng đề nghị các ngành kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên môi trường, nguồn nước và nhất là sông Sa Lung, thanh tra, kiểm tra hồ sơ các công ty, hướng đến quan trắc tự động, đồng thời đề nghị công an điều tra mạnh mẽ hơn nữa.

Bình Thuận ra quân tổng vệ sinh môi trường chào đón 28 năm Ngày Du lịch của tỉnh

Đây là hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện chủ đề “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” gắn với kỷ niệm 28 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995- 24/10/2023).

Tại thành phố Phan Thiết, ngay từ sáng sớm, trên các trục đường chính, khu vực công cộng như công viên biển Đồi Dương, Thương Chánh…, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, thanh niên cùng người dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, cạo biển quảng cáo…

Các cơ quan, đơn vị, trường học tổng vệ sinh, trang trí, trồng cây xanh, làm sạch, đẹp khuôn viên trụ sở. Rất nhiều hộ dân hưởng ứng bằng cách chủ động quét dọn ngõ xóm, thu gom rác thải khu vực sinh sống. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đồng loạt tổng vệ sinh môi trường, trang trí, chỉnh trang đô thị gắn với thực hiện tốt mô hình “Ngày Chủ nhật cùng hành động vì môi trường”.

tm-img-alt
Đoàn viên, thanh niên tham gia thu gom rác thải.

Ngay sau lễ phát động, 150 đoàn viên thuộc Thành đoàn Phan Thiết và Đoàn trực thuộc đã tham gia bóc xoá biển quảng cáo sai quy định; vệ sinh thu gom rác thải tại Công viên Đồi Dương, trục đường Lê Lợi (phường Hưng Long) và khu vực Cầu Ké (phường Thanh Hải).

Cùng ngày, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh cũng đồng loạt ra quân thực hiện đợt tổng vệ sinh môi trường với các công việc cụ thể như: làm sạch các bãi biển; quét dọn, thu gom rác tại các tuyến đường, các điểm đen chân rác; cải tạo cảnh quan môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh, triển khai các tuyến đường hoa, mô hình “cột điện nở hoa”, mô hình “biến điểm đen rác thành vườn hoa”…

Đợt tổng vệ sinh môi trường lần này góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, ý thức trách nhiệm với môi trường sống; xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới duy trì thành thói quen, nếp sống, sinh hoạt.

P.Thạnh Lộc (TP.Hồ Chí Minh) lắp đặt bè thủy sinh để cải thiện môi trường nước

Mới đây, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Thạnh Lộc đã phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn phường ra quân tổng dọn vệ sinh, vớt rác, làm cỏ… khơi thông dòng chảy trên rạch, đồng thời lắp đặt 5 bè cây thủy sinh.

Mỗi bè thủy sinh có kích thước 2m x 4m, được làm bằng ống nhựa, khung sắt, lưới sắt cố định, chứa 40-60 cây thủy trúc. Các bè được đặt cách nhau khoảng 20m, có neo cố định và có thể lên xuống theo mực nước ra vào tuyến rạch.

Theo Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Thạnh Lộc, các tuyến kênh rạch trên địa bàn quận 12 nói chung và địa bàn phường Thạnh Lộc nói riêng đều được theo chủ trương nhà nước là bê tông hoá. Tuy nhiên, môi trường nước của các tuyến kênh, rạch chưa được cải thiện.

tm-img-alt
Các bè thủy sinh được lắp đặt để cải thiện môi trường nước

Do đó, từ các hoạt động tình nguyện, bản thân anh cũng các bạn trẻ của phường đã nghĩ đến việc lắp đặt, thiết kế bè thủy sinh để cải thiện môi trường nước, cũng như tạo môi trường sống cho các sinh vật ở dưới nước.

Trên cơ sở từ sự đánh giá, góp ý của các chuyên gia về việc sử dụng một số loài cây để cải thiện môi trường nước, đoàn phường đã phối hợp với các đơn vị để thực hiện ý tưởng xây dựng, lắp đặt các bè thủy sinh này.

Thông tin từ Hội Nông dân phường Thạnh Lộc, quận 12 cho hay, mô hình bè thủy sinh này rất có hiệu quả, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân tại địa phương. Việc trồng cây thủy sinh trên các tuyến kênh rạch không chỉ có tác dụng lọc nước, tạo môi trường thông thoáng cho các tuyến rạch và tạo cảnh quan đô thị. Trong khi đó, bè thủy sinh có giá rẻ vì được làm từ vật liệu như ống nhựa PVC. Ngoài ra, cây thủy trúc trên địa bàn phường cũng có thể trồng được.

Đặc biệt, bè thủy sinh có tính chất di động, khi nước lên thì bè sẽ lên và nước xuống thì bè sẽ xuống theo. Những lúc nước cạn, nước tích trữ ở rễ giúp cây không ảnh hưởng, khi nước lên lại, cây vẫn tiếp tục sinh sống và phát triển tiếp.

Người dân Côn Đảo đồng lòng vì một Côn Đảo xanh, sạch, đẹp

Theo đánh giá của UBND huyện Côn Đảo, các hoạt động giảm rác thải nhựa của DN và trường học đã góp phần lan tỏa tới gia đình và cộng đồng xã hội. Mục tiêu huyện hướng tới là thay đổi ý thức, hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong người dân và du khách. UBND huyện đã chỉ đạo lồng ghép chủ đề về ô nhiễm rác thải vào nội dung giáo dục ở các cấp học thông qua các bộ tài liệu và tập huấn cho GV, HS.

Cùng với DN và trường học, UBND huyện Côn Đảo cũng phát động phong trào giảm rác thải nhựa và triển khai phân loại rác thải tại nguồn trong cộng đồng dân cư và các thành phần kinh tế-xã hội. Huyện đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, ký kết chương trình “Côn Đảo-Điểm đến giảm nhựa” với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam), trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn 2020-2024 do WWF-Đức tài trợ. UBND huyện Côn Đảo cũng đã tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.

Học sinh Trường MN Sen Hồng (huyện Côn Đảo) thiết kế và trang trí tranh làm từ rác thải nhựa.
Học sinh Trường MN Sen Hồng (huyện Côn Đảo) thiết kế và trang trí tranh làm từ rác thải nhựa.

Các mục tiêu Côn Đảo cam kết gồm giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, đồng thời ghi tên mình trở thành đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.

“Chúng tôi còn đặt mục tiêu loại bỏ hiệu quả rác thải nhựa trong Khu bảo tồn biển để Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong trong việc thực hiện các sáng kiến và cam kết về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bên cạnh đó, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua công tác tăng cường hoạt động phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả phù hợp với các chính sách và kế hoạch hành động hiện có của tỉnh và quốc gia về quản lý rác thải nhựa”, ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích