Trung Quốc: Xử lý khoảng 260.000 vụ án liên quan phá hoại môi trường
Trung Quốc: Xử lý khoảng 260.000 vụ án liên quan phá hoại môi trường
Khoảng 260.000 vụ án hình sự liên quan đến hành vi phá hoại tài nguyên và môi trường tại Trung Quốc đã bị xử lý trong gần 5 năm qua.
Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, nước này đang nỗ lực xử lý nghiêm các hành vi phá hoại môi trường nhằm bảo vệ môi trường sống đô thị và môi trường sinh thái tự nhiên.
Theo thông tin trong báo cáo của Quốc vụ viện Trung Quốc, những trường hợp này liên quan đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường, chiếm đất nông nghiệp trái phép, các tội liên quan đến động vật hoang dã và đánh bắt thủy, hải sản trái phép dọc sông Dương Tử.
Báo cáo về việc trấn áp tội phạm môi trường đã được trình bày vào ngày 21/10 để các đại biểu thảo luận tại phiên họp đang diễn ra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Các báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao (SPC) và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (SPP) Trung Quốc về công tác liên quan đến bảo vệ tài nguyên vàmôi trường cũng được trình lên phiên họp này.
Theo báo cáo của SPC, trong hơn 5 năm qua từ tháng 1/2018 đến tháng 9 năm nay, các tòa án trên toàn quốc đã xử lý khoảng 1,47 triệu vụ án sơ thẩm liên quan đến bảo tồn tài nguyên và môi trường sinh thái. Báo cáo của SPC cho biết, số vụ việc như vậy được xử lý từ năm 2018 đến năm 2022 đã tăng 76,7% so với 5 năm trước đó.
Trong khi đó, theo báo cáo của SPP, các viện kiểm sát trên toàn Trung Quốc đã xử lý khoảng 823.000 vụ việc về môi trường và tài nguyên từ năm 2018 đến tháng 6/2023. Trong số các vụ án, tổng cộng 65.000 vụ án hình sự đã hoàn tất việc điều tra.
Trước đó, vào tháng 6/2017, Ủy ban Thường vụ Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua “Luật Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước (sửa đổi)” với những quy định khắt khe hơn về chế độ trách nhiệm và công tác giám sát của chính quyền các cấp, đồng thời xử phạt nặng tay hơn đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nước.
Luật mới cũng hướng dẫn chính quyền các địa phương xây dựng những cơ sở xử lý nước và rác thải tại khu vực nông thôn, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn đối với hoạt động sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị