TP.HCM xử phạt hành chính hơn 3.500 cơ sở vi phạm về PCCC

Chiều 19/10, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải và Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi cùng chủ trì phiên họp.

Hơn 3.500 cơ sở vi phạm với tổng mức xử phạt hơn 5,5 tỷ đồng

Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin, nhằm thực hiện kế hoạch cao điểm tổng kiểm tra công tác PCCC, Công an Thành phố đã chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác do PC07 chủ trì trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đối với các đơn vị và địa phương.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết ngoài công tác tổng kiểm tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền về PCCC bằng nhiều hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp. 

Đoàn kiểm tra cấp UBND Thành phố đã kiểm tra 3/3 cơ sở, Đoàn kiểm tra cấp Công an Thành phố đã kiểm tra 4/8 cơ sở chung cư; nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố.

Qua gần 20 ngày triển khai, Công an Thành phố đã tổ chức kiểm tra 28.378 lượt cơ sở, kiểm tra xử lý 3.592 cơ sở với 3.931 hành vi vi phạm về PCCC bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 5,5 tỷ đồng. Đơn vị chức năng đình chỉ hoạt động 3 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 40 cơ sở. Ngoài ra có 7 cơ sở bị xử lý trong lĩnh vực xây dựng, 123 cơ sở bị xử lý trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, 280 cơ sở bị xử lý trong đăng ký thường trú, tạm trú.

Thượng tá Lê Mạnh Hà nhìn nhận: “Công tác tổng kiểm tra được phối hợp thực hiện giữa nhiều lực lượng liên ngành, quá trình kiểm tra rất kỹ lưỡng. Các cơ sở vi phạm tùy vào mức độ, đơn vị chức năng đã có xử lý theo đúng vi quy định pháp luật. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn bị đình chỉ, tạm đình chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ chiếm 0,15% (43 cơ sở/28.378 lượt cơ sở kiểm tra)…”.

Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở trên địa bàn quận Tân Phú. 

Bên cạnh công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, Công an TP Hồ Chí Minh chỉ đạo phòng PC07 tổ chức tuyên truyền trực tiếp kiến thức pháp luật về PCCC 5.558 lớp với 140.302 người tham gia. Tuyên truyền kết hợp trong hoạt động khác (sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố…) với 2.716 buổi, 81.406 người tham gia. Tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ 2.596 lượt. Ngoài ra, việc tuyên truyền còn được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, kênh thông tin điện tử địa phương.

Tuần lễ OCOP 2023 tại TP.HCM giới thiệu gần 1.200 sản phẩm nông nghiệp

Ông Phạm Quang Hợi – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố) thông tin về sự kiện “Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023”.  Sự kiện do UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (Quận 10) trong 3 ngày từ 27/10 – 29/10/2023.

Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của 40 tỉnh/thành đến từ 5 vùng, miền gồm: Tây Nguyên, Duyên Hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ,  Đồng bằng Sông Cửu Long; phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Ông Phạm Quang Lợi thông tin, các tỉnh/thành tham gia Tuần lễ OCOP 2023 đều là những địa phương đã ký kết hợp tác, xúc tiến du lịch cùng TP Hồ Chí Minh. 

Sự kiện thu hút khoảng 439 doanh nghiệp, với gần 1.200 sản phẩm tham gia, riêng sản phẩm OCOP có 756 sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 20 doanh nghiệp, chủ thể OCOP với 80 sản phẩm tham gia, riêng sản phẩm OCOP có 59 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao. Trong khuôn khổ hoạt động, các chương trình “Hội nghị kết nối cung cầu đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP”, “Hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh và xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm” được tổ chức với sự tham gia của nhiều tỉnh/thành.

Ông Phạm Quang Hơi nhìn nhận: “Đây là cơ hội, điều kiện để sản phẩm OCOP của nông dân vươn lên, giúp các đơn vị, doanh nghiệp kết nối hiệu quả các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền đến với các kênh xúc tiến thương mại tại thị trường TP Hồ Chí Minh và quốc tế. Qua đó, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới và giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là nông dân nghèo từ các vùng nông thôn khắp các vùng trong cả nước…”.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích