Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị đẩy tàu bằng động cơ điện
Theo Bộ GTVT, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu của các nước trên thế giới cũng như các cam kết của Việt Nam đến năm 2050 mức phát thải ròng phải bằng không, rất nhiều biện pháp đã được nghiên cứu và đưa vào thực tiễn áp dụng.
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất là chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu, chuyển động cơ sử dụng việc đốt nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện. Do đó, xu thế các phương tiện thủy lắp đặt động cơ điện làm thiết bị đẩy tàu ngày càng phổ biến.
Để có sự chuẩn bị chủ động trong việc tạo hành lang pháp lý cho các loại động cơ điện làm thiết bị đẩy tàu phát triển, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT đưa nội dung này vào kế hoạch biên soạn tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ.
Đây là việc cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình đã cam kết của Việt Nam với thế giới.
Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống đẩy bằng động cơ điện lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa sẽ quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế và lắp đặt hệ thống đẩy chạy bằng động cơ điện (gọi tắt là hệ thống chân vịt điện) hoặc hệ thống đẩy lai (hệ thống có cả nguồn ắc quy được nạp lại và động cơ đốt trong) được lắp đặt trên các phương tiện thủy nội địa có chiều dài thiết kế dưới 20m.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với tàu làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tàu cá; tàu chở dầu, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm, tàu hai thân, tàu cánh ngầm, tàu đệm khí.
Theo dự thảo quy chuẩn, hệ thống điện chân vịt có giới hạn sử dụng điện áp dưới 1.500V với hệ thống điện DC. Nếu sử dụng hệ thống điện AC một pha hoặc ba pha sẽ có giới hạn điện áp đến 1.000V với tần sô 50 Hz hoặc 60 Hz.
Dự thảo cũng quy định hệ thống chân vịt điện phải được thiết kế và chế tạo từ các thiết bị có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp. Tất cả các thiết bị điện và cơ cấu điều khiển phải được kết nối nhờ cáp điện để hợp thành hệ thống hoạt động đồng bộ.
Người thiết kế và lắp đặt hệ thống chân vịt điện phải có kiến thức về thiết bị bao gồm cả trong thiết kế hệ thống riêng biệt để đảm bảo tất cả các bộ phận hợp thành của hệ thống chân vịt điện được tích hợp thành khối thống nhất và an toàn.
Ngoài ra, công suất ra định mức ở trục động cơ điện của hệ thống chân vịt điện phải được thiết kế phù hợp với đặc trưng của chân vịt và dải tốc độ quay yêu cầu hoặc dải thay đổi bước của chân vịt biến bước/thiết bị đẩy. Hệ thống chân vịt điện có thể được cách ly hoặc liên kết về điện với các hệ thống điện khác trên phương tiện.
Về các bộ phận hợp thành của hệ thống chân vịt điện, dự thảo quy chuẩn nêu rõ có thể bao gồm một vài hoặc toàn bộ các hệ thống phụ và bộ phận, như: các tổ ắc quy; hệ thống quản lý ắc quy; nguồn quang điện sử dụng năng lượng mặt trời; các máy phát điện AC hoặc DC; các bộ biến đổi AC/DC, DC/DC, DC/AC, AC/AC và các bộ biến tần; các động cơ điện lai chân vịt; các bảng điện động lực; các hệ thống điều khiển, giám sát, báo động và cảnh báo; các biến áp; dây dẫn và cáp điện; các cầu dao, áp-tô-mát, công tắc điện từ và cầu chì.
Đối với quy định về kiểm tra, chứng nhận, dự thảo yêu cầu hệ thống chân vịt điện dự kiến được lắp đặt trên các phương tiện phải được thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát kỹ thuật, kiểm tra lắp đặt và thử nghiệm với kết quả thỏa mãn. Các hoạt động này được thực hiện đồng bộ với quá trình triển khai đóng mới phương tiện.
Bảo Linh