Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 19/10/2023
Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 19/10/2023
Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 19/10/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…
Bão số 5 mạnh cấp 8 và có khả năng mạnh thêm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc – 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 đến 74km/giờ), giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Đến 13 giờ ngày 20/10, vị trí tâm bão ở 20,6 độ Vĩ Bắc – 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng Bắc, sau đó chuyển hướng Tây Nam với tốc độ 5 đến 10 km/giờ. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão: phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Khu vực Vịnh Bắc Bộ có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 13 giờ ngày 21-10, vị trí tâm bão ở 19 độ Vĩ Bắc – 107 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, cường độ dưới cấp 6. Bão di chuyển theo hướng Nam Tây Nam với tốc độ khoảng 10km/giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão: phía Bắc vĩ tuyến 19 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Do ảnh hưởng của bão, chiều 19-10, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6 đến 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động rất mạnh; sóng biển cao 2 đến 4m. Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển trên khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Từ gần sáng 20/10, vùng ven biển Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 6 đến 7, một số nơi ở ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 đến 8.
Từ đêm 19-10 đến sáng 21/10, vùng ven biển khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.
Giải quyết vướng mắc trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cao tốc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến về giải quyết vướng mắc trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là công tác chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng mà hầu hết các địa phương đã và đang gặp phải trong quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Lý do là việc thực hiện các thủ tục này kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện dự án.
Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ ngành hướng dẫn giải quyết.
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, hướng dẫn các địa phương liên quan thực hiện công tác chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; sửa đổi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; hoàn thành trong tháng 10 năm 2023.
Xử phạt hơn 160 cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai vi phạm môi trường
Ngày 19/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết đơn vị đã hoàn thành đợt tổng kiểm tra 7.850 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cho thấy hoạt động chăn nuôi tồn tại nhiều bất cập, hạn chế về môi trường như chưa đăng ký giấy phép, chưa tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường…
Ngành chức năng đã có quyết định xử phạt hơn 160 cơ sở với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng; đình chỉ, yêu cầu tạm ngừng hoạt động hơn 950 cơ sở.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, qua kiểm tra gần 1.250 cơ sở chăn nuôi do cấp tỉnh, huyện quản lý, lực lượng chức năng phát hiện hơn 760 cơ sở do cấp huyện quản lý chưa được cấp giấy phép, giấy đăng ký môi trường. Nhiều cơ sở không có bể chứa nước thải hoặc có bể chứa nhưng không có hệ thống chống thấm, bạt lót bị hư hỏng.
Hàng chục cơ sở do cấp tỉnh quản lý không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, hết thời hạn sử dụng đất. Nhiều cơ sở được cấp giấy phép xây dựng nhưng giấy phép không thể hiện các hạng mục công trình bảo vệ môi trường; đưa cơ sở chăn nuôi vào hoạt động khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng chuồng trại và các hạng mục bảo vệ môi trường.
Ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, cho biết đợt kiểm tra giúp ngành chức năng có đánh giá tổng thể về những vấn đề môi trường, quy hoạch, xây dựng trong chăn nuôi; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người chăn nuôi, vận động chủ cơ sở đầu tư công trình, làm thủ tục cấp phép môi trường. Một số công ty thuê trang trại nuôi gia công đã tạm ngừng chăn nuôi, cam kết phối hợp để có biện pháp khắc phục các tồn tại.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra các cơ sở chăn nuôi theo kế hoạch; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật môi trường trong chăn nuôi những năm tiếp theo; thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch. Các đơn vị liên quan phối hợp rà soát, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đăng ký Giấy phép xây dựng.
Địa bàn tỉnh hiện có gần 1.500 cơ sở chăn nuôi tập trung và khoảng 22.300 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Để chấn chỉnh, xử lý những cơ sở chăn nuôi vi phạm về môi trường, tháng Tư năm nay, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra gần 10.000 cơ sở chăn nuôi.
Về lâu dài, tỉnh đã ban hành quyết định di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không phù hợp quy hoạch. Theo đó, trước 31/12/2024, tất cả cơ sở chăn nuôi này phải di dời đến nơi mới hoặc tự chấm dứt hoạt động.
Nghệ An: Dịch tả heo châu Phi bùng phát, nhiều nơi diễn biến phức tạp
Ngày 19/10, ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ dịch tả heo châu Phi bùng phát trên diện rộng.
Tính đến thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại địa bàn các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳ Hợp. Trong đó, ổ dịch đang bùng phát mạnh nhất là huyện Yên Thành. Hiện địa phương này đã ghi nhận có heo mắc dịch tả heo châu Phi ở 11 xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết, đến nay, huyện này đã có 534 con heo mắc dịch tả heo châu Phi (tổng trọng lượng hơn 21 tấn). Toàn bộ số heo nhiễm bệnh đã được tiêu hủy theo quy định.
Toàn huyện Yên Thành có hơn 82.000 con heo. Trước diễn biến dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng huyện Yên Thành đã phun khử trùng tại các địa điểm phát hiện dịch bệnh để tránh lây lan trên diện rộng. Một số vùng có dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh đã được chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo, tránh người dân đưa heo ra khỏi vùng dịch.
Tại huyện Diễn Châu, bệnh dịch tả heo châu Phi cũng đang lây lan ra nhiều xã. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu, địa phương này đã ghi nhận dịch tả heo châu Phi ở 8 xã. Hơn 8,6 tấn heo nhiễm bệnh đã được tiêu hủy.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, thời tiết đang bước vào mùa mưa bão, sắp tới có thể có các đợt rét đậm, rét hại bất thường làm giảm sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi. Đây là điều kiện thích hợp cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh.
Hầu hết các điểm phát hiện heo mắc dịch bệnh đều là những nông hộ nhỏ, có quy mô đàn heo ít. Do đó, các hộ chăn nuôi khi phát hiện heo có biểu hiện nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, tránh để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Đường lên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng được lưu thông trở lại
Ngày 19/10, UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) có văn bản liên quan đến việc lưu thông trên các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà.
Cụ thể, qua thông tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, thời tiết tại Đà Nẵng dần ổn định, lượng mưa đã ngớt.
Do đó, UBND quận Sơn Trà thông báo các phương tiện được lưu thông bình thường trở lại trên tuyến đường Hoàng Sa lên bán đảo Sơn Trà kể từ 10 giờ cùng ngày.
Trước đó từ ngày 15-10, UBND quận Sơn Trà thông báo phong tỏa toàn bộ tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà để đảm bảo an toàn. Chỉ có các công ty lữ hành đã nhận khách theo hợp đồng được đưa khách lên đến chùa Linh Ứng.
Mưa lớn khiến cho đất đá tràn xuống đường lên bán đảo Sơn Trà ở một số vị trí. Đất đá cũng tràn lấp một phần mặt đường Lê Văn Lương ngay dưới chân bán đảo Sơn Trà.
Sở GTVT Đà Nẵng đã huy động lực lượng dọn dẹp mặt đường, đảm bảo lưu thông an toàn.
Các lực lượng chức năng liên quan cũng bố trí chốt chặn tại các hướng lên bán đảo Sơn Trà, đảm bảo không có phương tiện hay người dân nào lên khu vực này trong những ngày mưa lớn.
Đến ngày 18/10, công tác thu dọn đất đá tràn lấp mặt đường đã hoàn thành xong.
Vụ án Công ty Nhật Nam: Thêm 5 người bị tạm dừng giao dịch tài sản
Tin trên Người đưa tin, liên quan đến quá trình điều tra vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Nhật Nam, thêm 5 người khác bị cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đề nghị tạm dừng giao dịch tài sản.
Ngày 18/10, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh rà soát, cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch tài sản đã chuyển nhượng phát sinh từ ngày 2/7/2019 đến nay của 5 cá nhân.
Năm cá nhân bị cơ quan chức năng tạm dừng giao dịch các tài sản đã chuyển nhượng phát sinh từ ngày 2/7/2019, gồm ông N.M.T (SN 1999, ngụ TP Hồ Chí Minh), bà Đ.T.B.U (SN 1984, ngụ Long An), bà B.T.L (SN 1997), N.T.H.N (SN 2003) và bà V.T.T.D (SN 1994); tất cả hiện chưa rõ địa chỉ cư trú.
Sở Tư pháp Lâm Đồng cho biết đã nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội về việc cơ quan này đang điều tra xác minh vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) theo quyết định khởi tố vụ án ngày 30/8/2023.
Thực hiện công tác phối hợp điều tra, Sở Tư pháp Lâm Đồng đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh rà soát, cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch tài sản đối với 5 cá nhân nói trên.
Trước đó, Sở Tư pháp Lâm Đồng cũng đã đề nghị tạm dừng giao dịch các tài sản đã chuyển nhượng đối với 12 tổ chức, cá nhân liên quan tới vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty Nhật Nam đang được công an điều tra.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị