Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/10/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/10/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/10/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/10/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Hà Nội đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát vào ngày 5/11 tới
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5027/QĐ-UBND về việc phê duyệt tổng thể vốn đầu tư các dự án khai thác khoáng sản, làm cơ sở đánh giá về tiêu chí vốn chủ sở hữu của đơn vị đăng ký tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, đối với mỏ cát Cổ Đô 1 – xã Cổ Đô, xã Phú Cường (huyện Ba Vì), tổng vốn đầu tư dự án là hơn 76,4 tỷ đồng; mỏ cát Cổ Đô 2 – xã Cổ Đô, xã Phú Cường (huyện Ba Vì) tổng nguồn vốn là hơn 78,1 tỷ đồng; mỏ Thanh Chiểu – xã Phú Cường (huyện Ba Vì), tổng vốn dự án hơn 33,2 tỷ đồng; mỏ Châu Sơn – xã Châu Sơn (huyện Ba Vì) có tổng vốn hơn 16,7 tỷ đồng; mỏ Tây Đằng, Minh Châu (huyện Ba Vì), có tổng số vốn gần 81 tỷ đồng; mỏ Thượng Cát – phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có tổng số vốn hơn 15,5 tỷ đồng.
Việc xác định tổng số vốn đầu tư của các dự án khai thác khoáng sản nhằm làm cơ sở đánh giá tiêu chí vốn chủ sở hữu của đơn vị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản của 5 điểm mỏ (6 mỏ cát) trên địa bàn thành phố năm 2023; đồng thời, đây là căn cứ để đơn vị đấu giá chọn hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố…
Để phù hợp quyết định này của UBND thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội và đơn vị tổ chức đấu giá đã có Văn bản điều chỉnh thời gian tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát đợt 1, gồm: Điểm mỏ Châu Sơn tại xã Châu Sơn, điểm mỏ Tây Đằng – Chu Minh (huyện Ba Vì) và điểm mỏ cát Liên Mạc tại phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Thời gian tổ chức đấu giá vào ngày 5-11-2023, tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội…
Trước đó, UBND thành phố đã ban hành quyết định tổ chức đấu giá 3 mỏ cát trên vào ngày 16/10/2023.
Quảng Ninh cấm biển từ 15 giờ chiều ngày 19/10 để ứng phó bão số 5
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hồi 10 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 – 74km/giờ), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm Cô Tô, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Từ gần sáng ngày 20/10, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – 8.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 5, từ chiều ngày hôm nay 19/10, vùng biển tỉnh Quảng Ninh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng biển ven bờ gió cấp 5-6, giật cấp 7. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN& PTDS tỉnh đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy về nơi tránh trú và kết thúc công việc này trước 18 giờ ngày 19/10/2023); tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.
Thời gian tạm ngừng bắt đầu từ 15 giờ, ngày 19/10/2023.
Đà Nẵng: 13 dự án ảnh hưởng trong khu vực bãi rác Khánh Sơn
Quyết định số 3282/QĐ-UBND ngày 7/7/2020 của UBND TP. Đà Nẵng về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 Quy hoạch khớp nối tổng thể khu vực bãi rác Khánh Sơn tại khu đất thuộc phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu nêu rõ ranh giới, quy mô và diện tích lập quy hoạch.
Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch 5.371.903 m2, trong đó, diện tích quy hoạch bãi rác Khánh Sơn 564.050 m2; diện tích khoảng cách an toàn về môi trường 4.807.853 m2. Theo quyết định này, yêu cầu khoảng cách về an toàn môi trường, vệ sinh đối với các công trình hạ tầng xã hội, các công trình khác có phạm vi cách xa 1.000 m. Dự án nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu nên Quyết định giao địa phương quản lý chặt chẽ, không cho xây dựng công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi ảnh hưởng này.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay tại khu vực quy hoạch có đến 13 dự án có khoảng cách không đảm bảo theo quy định, bao gồm: Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn Thái, diện tích trong phạm vi ảnh hưởng hơn 66 nghìn m2; Cơ sở nghiên cứu ứng dụng nguyên tử hơn 105 nghìn m2; Khu tái định cư phục vụ giải toả đường Hoàng Văn Thái nối dài gần 60 nghìn m2; Khu văn hoá tâm linh Đà Sơn hơn 65 nghìn m2; Khu kho tàng đèo Đại La hơn 52 nghìn m2…
Trong số 13 dự án ảnh hưởng đến khoảng cách an toàn về môi trường, Khu văn hoá tâm linh Đà Sơn do Công ty TNHH Phú Mỹ Hoà đang triển khai xây dựng các hạng mục gần như ảnh hưởng toàn bộ diện tích Dự án (gần 65 nghìn m2). Trong đó, khối lượng nhiều nhất là tượng phật, hồ, đường giao thông và khu trưng bày.
Theo các quyết định cấp quyền khai thác trước đây, vị trí khu vực Dự án đang thi công là các mỏ khai thác đá xây dựng của Công ty TNHH Phú Mỹ Hoà đã hết hạn khai thác (3 mỏ hết hạn tháng 6 và tháng 12/2020; 1 mỏ khai thác hết hạn ngày 13/8/2023), đang được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đà Nẵng lập hồ sơ đóng cửa mỏ trình UBND TP. Đà Nẵng quyết định. Tại khu vực này, theo Sở TNMT Đà Nẵng, mặt bằng đơn vị khai thác chưa hoàn thổ, chưa phục hồi môi trường và chưa thực hiện một số thủ tục đất đai theo quy định.
Không đồng ý đề xuất quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia tại Quảng Nam
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản tham gia ý kiến đối với Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, không đồng ý với đề xuất quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia tại Quảng Nam.
Nội dung này nằm ở mục tổ chức không gian các khu xử lý chất thải cấp vùng đến năm 2030 của dự thảo đồ án Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Việc không đồng tình với đề xuất này theo UBND tỉnh vì dễ phát sinh sự cố trong quá trình vận hành, khi đó sẽ ảnh hưởng lớn các địa phương liên quan. Đối với chất thải rắn đề nghị không quy hoạch tập trung mà phân tán theo từng tỉnh để thuận lợi trong công tác quản lý và vận hành.
Trao đổi bên lề hội nghị hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 2 vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, Quảng Nam không thống nhất với đề xuất trên.
Bởi, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thực tiễn cho thấy mỗi địa phương cần có khu xử lý chất thải rắn phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay cũng như trong định hướng phát triển các loại ngành của địa phương đó. Như vậy, các địa phương có thể đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn với công nghệ hiện đại, công suất phù hợp cho từng giai đoạn để chủ động thu gom xử lý hiệu quả, an toàn hơn.
Lâm Đồng: Định hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác tham mưu, định hướng chủ trương, chính sách về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tại địa phương; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng, lực lượng làm công tác tham mưu, định hướng tuyên truyền và thực tiễn công tác tuyên truyền về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; những kinh nghiệm hay và bài học rút ra trong công tác chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm mục đích đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan về công tác tham mưu trong thời gian qua và có những đề xuất, kiến nghị để làm hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Trung – Tây Nguyên Hà Phước Thiều nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, môi trường là một vấn đề có tính thách thức toàn cầu, đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc bảo vệ môi trường, phải tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu. Nên việc thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhiều năm qua đến địa phương cũng được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả.
Để việc triển khai có hiệu quả, cần phải nhiều chương trình hành động nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý. Cùng với sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương và các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường được tăng cường với nhiều mô hình hay sáng tạo.
Qua đó, góp phần nhận thức của các cấp chính quyền và người dân có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, phát triển bền vững.
Long An: Chủ động ứng phó với triều cường
Hiện nay, triều cường tại các huyện phía Nam của tỉnh Long An đang dâng cao, có nguy cơ xảy ra ngập úng và ảnh hưởng đến đời sống cũng như tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và người dân khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, vùng hạ lưu của sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây (TP.Tân An và các huyện vùng hạ ven sông) có những đợt triều cường mạnh vào tháng 9, 10, 11 và tháng 12/2023; đỉnh triều cường cao nhất năm xuất hiện vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023. Cụ thể, tại trạm Tân An (sông Vàm Cỏ Tây) có khả năng lên mức 1,65-1,70m (mức cao hơn báo động III từ 0,05-0,1m). Tại trạm Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông) có khả năng lên mức 1,60-1,65m (mức cao hơn báo động III từ 0,1-0,15m).
Trong các tháng cuối năm 2023, mực nước tại hầu hết các trạm trên các sông, rạch của tỉnh lên nhanh và ở mức cao, do ảnh hưởng của triều cường, nước lũ từ thượng nguồn và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh nên cần đề phòng ngập úng tại các vùng trũng thấp.
Thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước, hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Cần Đước nằm trong khu vực bảo vệ của 2 tuyến đê bao là đê Vàm Cỏ và đê Rạch Cát. Hàng năm, các tháng triều cường dân cao thường gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện triều cường hiện chưa gây ảnh hưởng hay thiệt hại, địa phương và người dân đang tích cực phòng, chống.
Tại các xã Tân Chánh, Tân Ân và Phước Tuy (huyện Cần Đước), phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân đều tiếp giáp sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ. Hàng năm, một số diện tích lúa và tôm của người dân các xã này thường bị ảnh hưởng khi triều cường dâng cao. Ông Trần Hữu Nghĩa (xã Tân Ân, huyện Cần Đước) có hơn 0,3ha ao nuôi tôm ven sông Vàm Cỏ, thường xuyên bị tác động bởi triều cường.
Năm nay, gia đình ông Nghĩa chủ động gia cố bờ bao ven sông nhằm phòng, chống triều cường ngay từ đầu vụ nuôi. “Hàng năm, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11, triều cường trên sông bắt đầu xuất hiện và kéo dài trong nhiều tháng, những ngày đỉnh triều dâng cao có thể sẽ tràn bờ bao. Do đó, năm nay tôi chủ động gia cố bờ bao từ sớm để bảo vệ ao tôm, tránh việc tôm thất thoát ra sông” – ông Nghĩa cho biết.
Huyện Tân Trụ gần như được bao bọc bởi 2 con sông là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Do đó, hàng năm, huyện thường chịu ảnh hưởng của triều cường vào đầu tháng 10 đến giữa tháng 12. Hiện, ngành chức năng huyện đã phối hợp với các xã và thị trấn giáp sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây của huyện tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra gia cố các tuyến đê bao, cửa cống ngăn triều để kịp thời xử lý khi xảy ra tràn đê, vỡ đê nhằm bảo đảm đời sống và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, bộ phận quản lý khai thác công trình thủy lợi thuộc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng có kế hoạch vận hành, tổ chức vận hành các cống ngăn triều hợp lý, không để xảy ra ngập úng kéo dài.
Với hơn 2ha lúa Thu Đông đang trong giai đoạn làm đòng, ông Nguyễn Văn Hậu (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có đê, hầu hết diện tích sản xuất trong khu vực đều bị ảnh hưởng bởi triều cường, những năm gần đây, nhờ có hệ thống đê bao mà tình trạng này không còn nữa. Tuy nhiên, để chủ động bảo vệ ruộng lúa, tôi đã lắp đặt máy bơm để bơm nước ra khỏi ruộng nếu xuất hiện mưa vào thời điểm triều cường dâng cao”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh – Võ Kim Thuần, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện phía Nam cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do triều cường gây ra, nhanh chóng lập kế hoạch kiểm tra, rà soát và chủ động gia cố sớm các tuyến đê bao trên địa bàn để chống ngập tràn.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kịp thời xử lý nguy cơ vỡ đê bao, bờ bao ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng vỡ đê bao, bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân; vận động, hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, bơm tát nước để chống ngập nhằm bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của từng hộ gia đình; rà soát, vận động di dời những hộ ở nơi có nguy cơ bị thiệt hại cao khi triều cường dâng đến nơi an toàn.
Bão số 5 cách đất liền khu vực Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế khoảng 200 km
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền khu vực Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Đến 13 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc, 108 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ, có khả năng mạnh thêm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão: phía Bắc vĩ tuyến 16 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 111 độ Kinh Đông. Phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông; vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 13 giờ ngày 20/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc, 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 5km/giờ. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão: phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Khu vực vịnh Bắc Bộ có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 13 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc, 107 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6, giật cấp 8. Bão di chuyển theo hướng Nam Tây Nam với tốc độ 5km/giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão: phía Bắc vĩ tuyến 17 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Khu vực vịnh Bắc Bộ có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Nam và tiếp tục suy yếu thêm.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh. Khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ đêm 18/10 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Từ gần sáng 20/10, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển trên khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Từ chiều 18/10 đến sáng 19/10, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm 19/10, vùng ven biển Bắc Bộ, khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; mưa lớn trên khu vực Trung Trung Bộ giảm dần.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị