Những lưu ý giúp doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang Anh

Thương mại song phương Việt – Anh hiện đang có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD, nhất là khi Anh gia nhập CPTPP. Đồng thời, thị trường Anh lại đang có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 700 tỷ USD hàng hóa. Như vậy, dư địa khai thác thị trường Anh còn rất lớn đối với hàng hoá Việt Nam.

5123-xuat-khau-sang-anh-1697603386
Ảnh minh họa.

Nhằm tận dụng UKVFTA, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, chúng ta cần hoá giải các điểm nghẽn của hoạt động sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp dài hạn chứ không chỉ dừng lại ở những gói hỗ trợ ngắn hạn; tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia để tăng mức độ uy tín cho hàng hóa, sản phẩm tại thị trường Anh. Tuy nhiên, vị chuyên gia nông nghiệp này cho rằng, Anh là thị trường lớn, khó tính nên việc phải đối diện các thách thức là điều tất yếu mà hàng hoá Việt Nam phải đối diện.

Trong đó, ông Hoàng Trọng Thuỷ lưu ý, doanh nghiệp chúng ta cần quan tâm đó là đây là quốc gia đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động… ngay như yếu tố lao động các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị vi phạm, như quy định về tiền lương tối thiểu, độ tuổi lao động. Đây cũng là thị trường khắt khe đối với chất lượng hàng hoá của thế giới. “Đơn cử, là thị trường tiêu thụ cà phê, tiêu rất lớn nên Anh thường xuyên quan tâm đến việc có gây dị ứng từ sản phẩm hay không. Điều này cho thấy, các tiêu chuẩn của thị trường rất chi tiết, ngay trong cả văn hoá tiêu dùng”- ông Thuỷ nói.

Vì thế, theo ông Hoàng Trọng Thuỷ nhà nước cần kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu về mặt cơ chế, chính sách pháp lý, sở hữu trí tuệ; kết nối giao thông vùng nguyên liệu, tín dụng, xây dựng dữ liệu thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… thay đổi tư duy sản xuất trong các thành phần kinh tế, từ số lượng sang chất lượng và theo tiêu chuẩn của Anh. Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Anh cần nắm vững thông tin thị trường, sự thay đổi về các tiêu chuẩn thói quen của người tiêu dùng để cung cấp cho doanh nghiệp, ngành hàng. Dự báo càng tốt thì tổ chức sản xuất sẽ được nâng lên và cần chú ý đến người tiêu dùng bản địa.

Về phía ngành hàng, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến nghị tới cộng đồng doanh nghiệp cần chú ý đến đáp ứng tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp của thị trường Anh. Muốn vậy, cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cải tiến giống cây trồng phù hợp; đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói tiên tiến của thế giới như vậy mới đưa sản phẩm vào thị trường quốc tế. “Đối với ngành rau quả, hiện đang rất cần sự hỗ trợ của các Bộ ngành, nhất là Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan Thương vụ tại nước ngoài hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hàng hoá, sản phẩm; tăng kết nối với các nhà nhập khẩu tiềm năng của Anh”- ông Nguyên kiến nghị.

Doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị thương hiệu và phát triển thương hiệu ở nước ngoài để dành nguồn lực phù hợp. Đặc biệt, cần chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nước ngoài; mặt khác chú trọng đến kiểu dáng, thiết kế, mẫu mã, cũng như các quy định, yêu cầu về chất lượng tại thị trường nước sở tại…

Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, thì công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường có vai trò hết sức quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại Anh để tìm hiểu thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng; thiết lập quan hệ bạn hàng cho doanh nghiệp; quảng bá, tuyên truyền sản phẩm thế mạnh, đồng thời giới thiệu sản phẩm hàng hoá và dịch vụ đạt thương hiệu quốc gia đến người tiêu dùng, nhà đầu tư, đối tác thương mại và xuất nhập khẩu quốc tế.

Theo Thương hiệu Công luận

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích