Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt tay hợp tác phát triển kinh tế, đô thị

(Xây dựng) – Chiều 18/10, tại Hội trường Thống Nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về trao đổi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa 2 thành phố. Đồng thời 2 bên cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giai đoạn 2023 – 2025 và những năm tiếp theo với mục tiêu cùng hợp tác, phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hai thành phố. Qua đó, đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy kinh tế – xã hội của 2 thành phố lớn nhất của cả nước phát triển nhanh, bền vững.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt tay hợp tác phát triển kinh tế, đô thị
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị giữa 2 Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (ảnh: Internet).

Chung nỗi lo và cùng thách thức

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có bổn phận, nỗi lo giống nhau. Trước thuận lợi, khó khăn chung đã tác động đến hai thành phố, đặt ra những thách thức gần giống nhau thì việc kết nối, hợp tác, hỗ trợ nhau lúc này là rất quan trọng và cần thiết.

“Mục đích cuộc gặp mà cả hai bên đều mong muốn đạt được là trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, tổ chức thực thi, chia sẻ những mặt làm được và chưa được, học hỏi lẫn nhau những điều hữu ích”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 thành phố đã thông báo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở 2 thành phối trong 9 tháng đầu năm 2023. Theo đó, 9 tháng đầu năm Hà Nội tăng trưởng 6,08% còn Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng 5,47%; Tổng thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội trên 305.000 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán và tăng 24,6% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh trên 326.000 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và bằng 93,65% so cùng kỳ, trong đó thu nội địa 232.681 tỷ đồng, đạt 71,91% dự toán, bằng 95,78% so cùng kỳ.

Đối với chi ngân sách địa phương, Hà Nội chi trên 60.000 tỷ đồng nhiều hơn Thành phố Hồ Chí Minh 57.000 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển của Hà Nội là 25.500 tỷ đồng, đạt 54,3% dự toán, còn Thành phố Hồ Chí Minh chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố 11.181 tỷ đồng, đạt 24,29% dự toán, tăng 19,75% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và công tác dân vận tiếp tục được 02 thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên ổn định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền 2 thành phố; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; Công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm đề ra nhiều giải pháp mới, thiết thực, gần gũi, thuyết phục; Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội luôn đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Hợp tác phát triển kinh tế, đô thị và bảo vệ môi trường

Tại Hội nghị, Đại biểu của 2 Thành ủy cùng trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp để hợp tác phát triển giữa 2 Thành phố lớn nhất cả nước. Lãnh đạo 02 Thành ủy đã lựa chọn 10 lĩnh vực để ký kết hợp tác trong: Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; Quản lý Nhà nước và cơ chế, chính sách; Kinh tế, thương mại và xúc tiến, thu hút đầu tư; Phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; Văn hóa, thể thao và du lịch; Giáo dục và y tế; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Báo chí tuyên truyền và Quốc phòng an ninh.

Trong công tác xây dựng Đảng, 2 bên cùng đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong việc quán triệt, triển khai, cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản mới của Trung ương và tham mưu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; Củng cố hệ thống chính quyền ở đô thị và nông thôn, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tăng cường hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt tay hợp tác phát triển kinh tế, đô thị
Lãnh đạo 2 Thành ủy chụp hình lưu niệm (ảnh: Internet).

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và xúc tiến, thu hút đầu tư, 2 bên thống nhất thường xuyên, trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; các giải pháp cải thiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước (FDI), nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về các định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các tiềm năng, cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh để đầu tư các dự án, lĩnh vực đột phá của địa phương, động lực phát triển kinh tế Vùng. Tăng cường hợp tác, liên kết, trao đổi thông tin giữa các đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm trao đổi thông tin, đánh giá tiềm năng và lợi thế so sánh của 2 địa phương với mục đích tăng cường thu hút đầu tư vào từng địa phương và cả vùng.

Đối với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường 2 bên sẽ giúp nhau thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng mô hình chính quyền đô thị, quản lý đô thị; Nghiên cứu mở rộng không gian đô thị, phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh; Quản lý, thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm.

Trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD.

Lãnh đạo 2 Thành ủy cũng thống nhất chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách và quản lý phát triển các loại hình nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Quản lý và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, quản lý xây dựng, bảo vệ biệt thự cũ, công trình bảo tồn, công tác quản lý, chỉnh trang, xây dựng đô thị văn minh. Bảo vệ môi trường, thực hiện các chương trình ứng phó, biến đổi khí hậu…

Riêng lĩnh vực báo chí tuyên truyền, 2 bên thống nhất chỉ đạo các cơ quan báo chí 2 thành phố, truyền hình hai địa phương trao đổi kinh nghiệm, phối hợp xây dựng chương trình tuyên truyền về những thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của hai thành phố.

Tại Biên bản ghi nhớ 2 bên đã thỏa thuận trong quá trình thực hiện, nếu có điều chỉnh bổ sung, UBND 2 thành phố chỉ đạo các Sở, ngành và đơn vị có liên quan chủ động bàn bạc để đưa ra nội dung, hình thức hợp tác cụ thể và trình lãnh đạo hai thành phố xem xét, quyết định. Đồng thời, định kỳ 1 năm 1 lần tổ chức sơ kết đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ, trong đó, có đề xuất việc trao đổi, mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế tham gia Hội nghị định kỳ hằng năm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích