Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và an ninh con người”

(Xây dựng) – Ngày 18/10, Khoa quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-IFI) phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện quốc tế Pháp ngữ (2IF) – Đại học Jean Moulin Lyon 3 tổ chức Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người”.

Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và an ninh con người”
Ông Ngô Tự Lập, Nguyên Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo tại IFI.

Bàn về an ninh con người trong thời đại số ở một góc nhìn mới, ông Ngô Tự Lập – Nguyên Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo tại IFI cho rằng, chuyển đổi số đang là vấn đề nóng không chỉ trong giới hàn lâm, trên báo chí mà còn cả trong chính sách của các quốc gia. Tuy nhiên, con người hiện đang quá chú ý đến những lợi ích của chuyến đổi số như sự tiết kiệm chi phí và thời gian, sự chia sẻ không giới hạn, tính thân thiện với môi trường nhờ giảm bớt nhu cầu các vật liệu truyền thống… mà thiếu đi sự quan tâm đến những tác động tiêu cực của sự thay đổi này.

Ông Ngô Tự Lập cũng nhận định chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đang dần trở thành một lối sống, một nền văn minh mới với nhiều vấn đề, trong đó có an ninh con người. Theo đó, những thách thức về an ninh con người trong kỷ nguyên số gồm 5 vấn đề lớn: Sự phụ thuộc của con người vào hạ tầng công nghệ dễ tổn thương; sự xuất hiện của những “đế quốc số”; sự xuất hiện của những “tù nhân số”; sự phi xã hội hóa (De-socialization) con người; sự thống trị của trí tuệ hậu nhân tạo.

Đặc biệt, ông Ngô Tự Lập nhấn mạnh khái niệm “trí tuệ hậu nhân tạo (Post-Artificial Intelligence)”, cũng là công nghệ đang và sẽ ảnh hưởng tới đời sống của con người. Trí tuệ hậu nhân tạo không chỉ có khả năng giải quyết vấn đề, mà còn có khả năng tự học, tự phức tạp hóa và đặc biệt là tự đặt ra những vấn đề ngày càng phức tạp. Dù sớm hay muộn, phát minh này cũng sẽ vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của con người và trở thành vấn đề lớn nhất của chuyển đổi số. Do đó, cần có sự quan tâm, hợp lực của các cá nhân và tập thể để đảm bảo an ninh con người trong tương lai.

Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và an ninh con người”
Phiên thảo luận tại Hội thảo.

Cụm từ “an ninh con người” lần đầu tiên được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sử dụng vào năm 1994 trong Báo cáo hàng năm về sự phát triển của con người – tài liệu được cho là đã đề cập toàn diện nhất về khái niệm an ninh con người. Trong đó, UNDP đã phát triển một bước đột phá kép so với tầm nhìn truyền thống về an ninh, cụ thể: An ninh con người nhằm mục đích định vị lại các cá nhân với tư cách là chủ thể chính của an ninh hơn là các quốc gia; phá vỡ quan điểm và tầm nhìn về an ninh chỉ tập trung vào các vấn đề quân sự. Chính vậy, UNDP đã đề xuất khái niệm an ninh con người, với 07 nhân tố cấu thành gồm: An ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.

An ninh con người chiếm một vị trí quan trọng trong bốn lĩnh vực an ninh chủ yếu, cùng với an ninh quốc gia, an ninh công cộng và an ninh phi truyền thống. An ninh con người và đảm bảo an ninh con người luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, theo đó, không chỉ đơn giản là tình trạng không có xung đột bạo lực, mà còn bao gồm nhân quyền, quản lý nhà nước tốt, cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm mỗi cá nhân có cơ hội và sự lựa chọn để phát huy được năng lực của mình. Các quốc gia luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển, nói cách khác, con người là trung tâm, là quan trọng nhất trong quá trình phát triển. An ninh con người là điều kiện sống còn cho sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của mỗi quốc gia – dân tộc.

Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và an ninh con người”
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm.

Những biến động trong an ninh quốc tế hiện nay đang ngày càng làm rõ ràng hơn phạm trù an ninh con người; các yếu tố thay đổi có ảnh hưởng sâu sắc và tác động đến an ninh con người. Theo đó, kỹ thuật số được xếp như một trong những vấn đề được quan tâm nhất mà hệ quả chính của nó là quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức cho sự phát triển an ninh con người của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Dưới sự tác động mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng, an ninh con người được đặt trong mối quan hệ mật thiết với những nội dung an ninh khác. Bối cảnh hiện nay cho thấy, cần có sự hợp lực từ các quốc gia – dân tộc, để cùng gây dựng môi trường an toàn cho không chỉ người dân sống trên lãnh thổ của mình, mà còn góp phần đảm bảo an ninh con người trên phạm vi toàn cầu.

Hội thảo quốc tế Chuyển đổi số và an ninh con người quy tụ các học giả, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật xoay quanh chủ đề An ninh con người và những tác động của chuyển đổi số.

Một số tham luận tại sự kiện như: Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người; Bạo lực mạng: Thách thức nào cho tương lai?; Mô hình bệnh viện thông minh ứng dụng công nghệ số; Trí tuệ nhân tạo và an ninh con người; Trách nhiệm của công dân và biến đổi khí hậu: thách thức công nghệ số nào cho nhân loại?; An ninh con người và hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích