Lấy ý kiến 3 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thuỷ nội địa

Dự kiến các văn bản sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu; cơ sở thiết kế, chế tạo trang thiết bị, vật liệu, các máy được lắp đặt lên tàu.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống đẩy bằng động cơ điện lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa

Về phạm vi điều chỉnh, quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế và lắp đặt hệ thống đẩy chạy bằng động cơ điện (sau đây gọi tắt là “Hệ thống chân vịt điện”) hoặc hệ thống đẩy lai (hệ thống có cả nguồn ắc qui được nạp lại và động cơ đốt trong) được lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa có chiều dài thiết kế dưới 20 m (sau này gọi tắt là “Phương tiện”).

Quy chuẩn này không áp dụng đối với tàu làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tàu cá; tàu chở dầu, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy  hiểm, tàu hai thân, tàu cánh ngầm, tàu đệm khí.

Các quy định trong SỬA ĐỔI 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT hoặc QCVN 25:2015/BGTVT được áp dụng cho tàu, trừ khi có quy định khác trong Quy chuẩn này.

Về đối tượng áp dụng, quy chuẩn áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng hệ thống chân vịt điện thuộc phạm vi điều chỉnh nêu ở trên.

 Ảnh minh hoạ

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa cao tốc

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng cho việc phân cấp và kiểm tra phương tiện thủy nội địa cao tốc (sau đây viết tắt là “tàu”) hoạt động trên đường thủy nội địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và phân cấp.

Quy chuẩn này không áp dụng cho các tàu dầu, tàu chở xô khí hoá lỏng, tàu chở xô hoá chất nguy hiểm, các tàu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá.

Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn áp dụng đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến các tàu thuộc phạm vi điều chỉnh nêu trên là Cục Đăng kiểm Việt Nam; các chủ tàu; cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải,  phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu; cơ sở thiết kế, chế tạo trang thiết bị, vật liệu, các máy được lắp đặt lên tàu.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa

Quy chuẩn này quy định yêu cầu về hoạt động phân cấp và kiểm tra trong thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là tàu) hoạt động trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh và các tuyến vận tải đường thủy nội địa ven bờ biển được công bố của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các tàu thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này có một trong các đặc trưng sau đây: Tàu có chiều dài thiết kế từ 20 m đến 140 m; Tàu tự hành không phụ thuộc vào chiều dài thiết kế, có tổng công suất máy chính từ 75 kW (100 sức ngựa) trở lên.

Các tàu không phụ thuộc vào chiều dài thiết kế và tổng công suất máy chính, bao gồm: tàu khách, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi; tàu chở dầu; tàu chở hóa chất nguy hiểm; tàu chở khí hóa lỏng; tàu chở hàng nguy hiểm; tàu nhiều thân; tàu kéo, đẩy; tàu cánh ngầm; tàu đệm khí; tàu công trình; tàu chuyên dụng đặc biệt; tàu loại đặc biệt khác được quy định tại các phần tương ứng của Quy chuẩn này. Quy chuẩn không áp dụng cho tàu có chiều dài thiết kế lớn hơn 140 m.

Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan đăng kiểm, các đơn vị thiết kế, cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thuỷ nội địa; cơ sở sản xuất vật liệu, sản phẩm, trang thiết bị lắp đặt phương tiện thuỷ nội địa; các chủ phương tiện thủy nội địa; các tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện, nhập khẩu vật liệu, trang thiết bị dùng chế tạo, lắp đặt trên phương tiện thuỷ nội địa.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích