Hoàn thiện công tác quản lý kế toán trong ngành hải quan
Tuy nhiên, Thông tư hướng dẫn chung cho các cơ quan nhà nước, do đó, hệ thống kế toán, hệ thống các báo cáo được quy định chung. Trong khi đó, ngành Hải quan có nhiều nội dung mang tính đặc thù riêng, nhiều nguồn kinh phí riêng, mỗi nguồn kinh phí lại có cơ chế trích/nộp và hạch toán riêng mà tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Trong khi hệ thống các tài khoản kế toán không được bổ sung thêm, chỉ được mở các tài khoản con trên cơ sở các tài khoản đã quy định.
Sau gần 20 năm thực hiện cơ chế quản lý tài chính của ngành Hải quan và 5 năm thực hiện Thông tư số 107/2017/TT-BTC, công tác quản lý tài chính đã có nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Các đơn vị đã chủ động xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ trên cơ sở thực tiễn, đặc điểm của từng đơn vị, phù hợp với cơ chế tài chính của Ngành, làm cơ sở cho đơn vị tăng cường công tác quản lý và đơn vị cấp trên kiểm soát; Hầu hết các đơn vị đều vận dụng hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ kế toán và báo cáo kế toán đúng như quy định; Các đơn vị hầu hết sử dụng phần mềm kế toán nội bộ, do đó, việc hạch toán kế toán trở nên dễ dàng hơn; Đổi mới trong ghi nhận doanh thu- chi phí từ ngân sách, tạo ra thặng dư thâm hụt của các hoạt động, từ đó cung cấp thông tin để đưa ra quyết định phù hợp nhất với tình hình hiện tại; Công tác tổ chức bộ máy kế toán ngày càng được quan tâm, nhiều đơn vị đã thực hiện sắp xếp lại hệ thống bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hạn chế sự luân chuyển trong bộ máy kế toán.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác quản lý tài chính nói chung và kế toán chi nói riêng tại các đơn vị còn tồn tại một số hạn chế sau:
Về tổ chức bộ máy kế toán: theo quy định thì cán bộ kế toán cũng là một trong những đối tượng phải thực hiện luân phiên, luân chuyển khi đến thời hạn. Trong khi đó, công tác kế toán là công việc đặc thù. Do đó, việc thực hiện công tác luân phiên, luân chuyển cán bộ kế toán có thể gây ra những sai sót trong công tác quản lý tài chính khi không có sự kế thừa trong công việc.
Về tổ chức vận dụng hệ thống chứng từ kế toán: Hệ thống chứng từ tương đối nhiều nhưng còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất trong công tác thanh toán mà phụ thuộc vào quy chế chi tiêu nội bộ của từng đơn vị.
Về tổ chức vận dụng hệ thống tài khoản kế toán: Việc vận dụng một số tài khoản chưa thống nhất về nội dung, chưa đầy đủ dẫn đến thông tin về đối tượng kế toán bị phản ánh vẫn còn hiện tượng sai lệch, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và tổng hợp thu, chi ngân sách nhà nước.
Về tổ chức báo cáo kế toán: Công tác kế toán ở các đơn vị chỉ dừng lại ở kế toán tài chính, chưa chú trọng vào việc lập các báo cáo nội bộ trên cở phân tích dữ liệu kế toán.
Về công tác tự kiểm tra nội bộ: Công tác kiểm tra của đơn vị cấp trên là Tổng cục Hải quan chưa diễn ra thường xuyên, chưa kể công tác tự kiểm tra nội bộ tại đơn vị tuy được diễn ra hàng năm, nhưng chất lượng của công tác tự kiểm tra nội bộ về tài chính, kế toán còn hạn chế, mang tính chất phục vụ công tác báo cáo.
Về việc vận dụng công nghệ thông tin: Hầu hết các đơn vị chưa khai thác được tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin trong công tác kế toán. Trình độ tin học của cán bộ làm kế toán còn hạn chế nên chưa giảm thiểu được khối lượng công việc cần xử lý trong mỗi giai đoạn của hạch toán.
Một số giải pháp quản lý công tác tài chính thống nhất
Thứ nhất, giải pháp về pháp lý: cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC theo hướng: Thống nhất phương pháp ghi nhận giảm doanh thu là ghi nhận bút toán đỏ; Thống nhất cơ chế trích/nộp đối với lãi tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước theo hướng không thực hiện bổ sung nguồn kinh phí đối với lãi của tài khoản tiền gửi…
Thứ hai, về nghiệp vụ, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đặc biệt là tự kiểm tra công tác tài chính kế toán trong đơn vị. Đồng thời thực hiện giám sát công tác kế toán đối với một số đơn vị trong toàn Ngành. Một số chỉ tiêu lựa chọn đơn vị giám sát có thể là đơn vị được giám sát có sự thay đổi về nhân sự kế toán, đặc biệt là thay đổi về kế toán trưởng; đơn vị được giám sát là đơn vị được cơ quan cấp trên hoặc các đơn vị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ghi nhận có nhiều sai sót trong công tác quản lý tài chính; đơn vị được giám sát là đơn vị có số giao dự toán lớn.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc áp dụng phần mềm kế toán nội bộ. Hiện nay Tổng cục Hải quan đã thực hiện kiểm thử xong phần mềm kế toán nội bộ của toàn Ngành và đã đưa phần mềm vào sử dụng từ tháng 4/2023. Đặc điểm của phần mềm này là kế toán tập trung và Tổng cục Hải quan tự khai thác các báo cáo theo yêu cầu của công tác quản lý trên phần mềm kế toán nội bộ.
Thứ tư, về nguồn lực, cần hoàn thiện tổ chức kế toán các đơn vị, cũng như nâng cao năng lực của cán bộ kế toán, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực; đặc biệt là công tác luân phiên, luân chuyển cán bộ kế toán.
Thứ năm, xây dựng Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kế toán chi cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan. Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kế toán chi cho các đơn vị trong toàn Ngành như một cẩm nang hướng dẫn các cán bộ kế toán thực hiện công tác quản lý tài chính nói chung tại đơn vị cũng như kiểm soát các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại đơn vị. Sổ tay sẽ hệ thống hóa một cách cụ thể, thống nhất, kịp thời các tài khoản kế toán tại 1 đơn vị kế toán cũng như phương pháp hạch toán kế toán có thể phát sinh tại đơn vị. Từ đó, đưa ra các chuẩn mực hạch toán thống nhất, để hỗ trợ đơn vị lập các báo cáo tài chính theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan cũng như các báo cáo quản trị công tác tài chính tại đơn vị.
Nguồn: hoanhap.vn