Quảng Bình: Tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017
Quảng Bình: Tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017
Thời gian qua, tàu cá trên địa bàn TP Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn tái phạm vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu giã cào hoạt động sai tuyến, ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình.
Thời gian vừa qua, TP. Đồng Hới đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tuy nhiên, thời gian qua, tàu cá trên địa bàn vẫn tái phạm vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu giã cào hoạt động sai tuyến, ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (GSHT)… Vì vậy, dù có thể phải gặp những khó khăn nhất định, nhưng để góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản (TS), thành phố kiên quyết xử lý đối với tàu cá khai thác không đúng quy định.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan, các giải pháp chống khai thác IUU đã được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn TP. Đồng Hới triển khai quyết liệt, đồng bộ, như: Tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017; phát tờ rơi tuyên truyền và sổ tay hướng dẫn về chống khai thác IUU cho các xã, phường ven biển; xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc… để khai thác hải sản của ngư dân tại các xã, phường vùng biển; phối hợp với Đồn Biên phòng Nhật Lệ tổ chức ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác TS cho các chủ tàu cá trên địa bàn thành phố.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác TS đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế, Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Trao cờ Tổ quốc, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác TS để chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC); đồng thời, thông báo các trường hợp có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để có phương án phòng tránh; vận động chủ phương tiện ký cam kết thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động khai thác TS trên biển.
Trung tá Nguyễn Trung Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhật Lệ cho biết: Đơn vị đã trao tặng hơn 1.000 lá cờ Tổ quốc cho các ngư dân; đồng thời, kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát tại cửa sông, cửa lạch. Qua đó, đã vận động hơn 1.000 chủ phương tiện ký cam kết chấp hành đúng quy định khi khai thác, hoạt động trên biển.
Tuy nhiên, thực tế, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ tàu cá còn hạn chế; tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác TS, lắp thiết bị GSHT, đánh dấu tàu cá vẫn còn xảy ra; vẫn còn tình trạng ngư dân và tàu cá mất kết nối qua hệ thống GSHT, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu giã cào hoạt động sai tuyến…
Theo thông báo của Chi cục Thủy sản, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 35 lượt tàu mất kết nối GSHT hơn 10 ngày trên biển và 5 tàu cá vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển…
Chi Cục Thuỷ Sản cho biết: Huyện Bảo Ninh hiện có số lượng tàu cá nhiều nhất với hơn 450 tàu, thuyền; trong đó, có hơn 200 tàu có chiều dài trên 15m, gần 250 tàu, thuyền từ dưới 6-15m. Hiện nay, trên địa bàn xã có 12 tàu cá nằm trong danh sách có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan, Thành phố Đồng Hới kiên quyết thực hiện các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi TS tự nhiên và hệ sinh thái thủy sinh, bảo đảm an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế”, khẳng định.
Cụ thể, trong thời gian tới, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý đối với tàu cá đang hoạt động nhưng chưa lắp đặt thiết bị GSHT; rà soát đánh dấu thống kê tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 15m; phấn đấu hoàn thành 100% tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu, cấp giấy phép khai thác TS.
Đặc biệt, tiến hành lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý; tăng cường phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin giữa các phòng, đơn vị, địa phương nhằm phát hiện, phòng ngừa sớm, ngăn chặn triệt để và xử lý kịp thời các vụ việc tàu cá vi phạm; điều tra, xác minh, xử lý 100% các tàu cá vi phạm vượt ranh giới cho phép trên biển và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thành phố Quảng Bình sẽ thường xuyên phối hợp với các lực lượng có liên quan kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển trong việc chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi TS, chống khai thác IUU. Kiên quyết không cho các tàu cá hoạt động trên biển khi không lắp đặt thiết bị GSHT, không bảo đảm trang thiết bị, thủ tục giấy tờ theo quy định. Thành phố cũng tiếp tục chú trọng chỉ đạo thành lập, duy trì và phát triển tổ đoàn kết, tổ hợp tác khai thác TS trên biển. Trong 9 tháng năm 2023, toàn thành phố có 6 tàu vi phạm và không thực hiện ký cam kết, 5 tàu có quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng, 24 tàu đang tiếp tục xác minh…
UBND TP Đồng Hới cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ thành phố kinh phí cho công tác chống khai thác IUU, nhằm tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển; thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống GSHT cho ngư dân. Tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian cấm khai thác TS, chuyển đổi nghề nhằm giảm cường lực khai thác TS ven bờ và kinh phí lắp đặt duy trì kết nối thiết bị GSHT tàu cá cho ngư dân.
Các xã vùng biển Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành cũng tăng cường các giải pháp để cùng với các cấp, các ngành ngăn chặn tình trạng khai thác IUU. Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Phạm Quang Trung cho biết, xã đã và đang phối hợp với Mặt trận và đoàn thể các thôn vận động, tuyên truyền và tổ chức ký biên bản với các chủ tàu cam kết thực hiện khai thác hải sản đúng quy định, không vi phạm khai thác IUU.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị