Vai trò quan trọng của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: Bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của quốc gia. Để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới, không thể không kể tới vai trò của báo chí. Trong đó, các nhà báo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, làm thay đổi các định kiến giới, tạo sự quan tâm đối với tiếng nói của đối tượng yếu thế.
Tuy nhiên theo ông Patrick Haverman, khi tác nghiệp các vấn đề về giới, các nhà báo cũng cần thận trọng, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, trong đó, ưu tiên sự an toàn, quyền riêng tư của đối tượng được đề cập, đặc biệt tránh đổ lỗi cho nạn nhân. Từ ngữ, hình ảnh các nhà báo sử dụng có thể định hình quá trình tiến bộ bình đẳng giới và ngược lại. Vì vậy, các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng cần được định hướng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giới.
Các đại sứ, chuyên gia quốc tế tham dự tọa đàm. |
Tham luận tại tọa đàm, đại diện Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết, đúng như tên gọi, ngay từ khi thành lập, Báo Phụ nữ Thủ đô đã xác định tôn chỉ, mục đích là diễn đàn về giới, bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Cơ quan chủ quản của Báo là Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cũng là tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho giới nữ, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Vì vậy, Báo luôn được tạo điều kiện trong đưa tin về giới, bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới. Báo thường xuyên có các chuyên trang, chuyên mục trên cả báo giấy và điện tử mang đậm tính giới như: Tình yêu, hôn nhân, gia đình; chuyên mục phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; vitamin tình yêu; các diễn đàn lấy ý kiến độc giả về các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.
Bà Trần Hoàng Lan, Trưởng ban Gia đình – Chuyên đề, Pháp luật Báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ, khi phóng viên đưa tin, viết bài về các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, một số nạn nhân nữ đã từ chối, che giấu cho thủ phạm do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật. Trong khi đó, nhiều nam giới lại có định kiến: Báo phụ nữ chỉ đấu tranh cho phụ nữ nên chưa cởi mở chia sẻ vấn đề mình gặp phải với Báo. Trong khi thực tế, vấn đề giới không chỉ là của riêng giới nữ.
Nhà báo Trần Hoàng Lan (Báo Phụ nữ Thủ đô) cho rằng “vấn đề giới không chỉ là của riêng giới nữ”. |
Từ khó khăn này, Báo Phụ nữ Thủ đô đưa ra một số kiến nghị như: Cần chống phân biệt đối xử đối với phóng viên làm việc trong các tờ báo giới; cần có sự cởi mở hơn trong cung cấp, tiếp cận thông tin, khai thác thông tin đối với phóng viên ở báo giới; cần có sự quan tâm nhiều hơn về nguồn lực, con người đối với báo giới và cần nâng cao nhận thức về giới cho các giới; đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của báo giới.
Đến từ Thông tấn xã Việt Nam, bà Vũ Hương Thủy, Phó Ban tin trong nước cho biết, mỗi năm Ban biên tập tin trong nước của Thông tấn xã phát hơn 1.000 tin bài liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tập trung vào các nội dung: Truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; phản ánh sự vào cuộc của các cấp, ngành, xã hội trong thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới; các thành tựu của Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới; các hoạt động góp phần đấu tranh phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Theo bà Vũ Hương Thủy, để công tác tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới có hiệu quả, các cơ quan tổ chức, địa phương cần tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách; được tiếp cận nhanh nhất nguồn tin chính thức, chính thống liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới.
Tọa đàm được đông đảo chuyên gia quốc tế và báo chí quan tâm. |
Trong khuôn khổ Tọa đàm, bà Minelle Mahtani, Phó Giáo sư Viện Tư pháp Xã hội, Đại học British Columbia, người đã giành được Huân chương Kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II vì những đóng góp học thuật của mình về vấn đề chủng tộc và giới tính trên truyền thông, cũng đã có bài chia sẻ về kinh nghiệm đưa tin về giới, lưu ý vấn đề nhạy cảm giới, tiếp cận nạn nhân bị bạo lực giới.
Bà Phạm Thị Mỵ, Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, CLB Nhà báo nữ Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động bổ ích khác dành cho các nữ nhà báo để cùng tạo nên tiếng nói chung đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Đại sứ 4 nước hợp tác tổ chức Tọa đàm cũng đã có phát biểu, đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới cũng như mong muốn có các cơ hội hợp tác sâu rộng với các cơ quan báo chí của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Tọa đàm “Giới và Báo chí” đã đem tới không gian cởi mở để các nhà báo và chuyên gia về giới chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm về giới và báo chí, qua đó góp phần thúc đẩy bình bẳng giới ở Việt Nam.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô