Sức mạnh từ sự đồng hành và gắn kết
Hỗ trợ thiết thực để cùng vượt khó
Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 360.000 doanh nghiệp, bình quân 37 người dân Thủ đô/doanh nghiệp, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số doanh nghiệp trên địa bàn. Đóng góp khoảng 50% GDP cho Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế Thủ đô 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tổ chức. |
Cùng với sự lớn mạnh về tổ chức, hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội ngày càng chất lượng. Hiện, Hiệp hội có 25 câu lạc bộ, chi hội quận, huyện trực thuộc, 1 trung tâm tư vấn pháp luật và 1 trung tâm xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho gần 10.047 hội viên.
Nói về những kết quả trong những năm qua, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội Đỗ Quang Hiển khái quát, Hiệp hội đã hoàn thành xuất sắc vai trò tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ nhau tạo sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội; là cầu nối cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hội viên thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm mục đích nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập và phát triển. Trong đó, hội viên là khách hàng, là đối tác và cũng là nhà đầu tư chiến lược của nhau.
Hiệp hội đã tổng hợp những vướng mắc, khó khăn của 150 doanh nghiệp, mời 300 doanh nghiệp cùng tham dự các hội nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chủ trì. Tại các cuộc họp, Hiệp hội đã đề xuất nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, từ đó có 45 nội dung kiến nghị trở thành chính sách thiết thực đối với doanh nghiệp.
“Để vượt qua những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19, 2 năm qua, Hiệp hội có nhiều giải pháp tài khóa thiết thực, từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thực hiện chương trình liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực công thương; triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình khởi nghiệp, chuyển đổi số, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực cùng các hoạt động kích cầu tiêu dùng, ổn định thị trường, giá cả trên địa bàn Thủ đô”, ông Đỗ Quang Hiển cho biết.
Bên cạnh chuyên môn, Hiệp hội đã cùng cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia rất nhiều hoạt động đoàn thể, công tác xã hội – từ thiện và tổ chức những giải đấu thể thao để tăng cường sự hiểu biết, giao lưu chia sẻ giữa các doanh nghiệp, tạo ra được sân chơi lành mạnh, vui khỏe cho cán bộ, nhân viên doanh nghiệp hội viên.
Làm tốt hơn vai trò cầu nối
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết: Hiện nay vẫn còn 97,2% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, kinh doanh theo kinh nghiệm,thậm chí còn chụp giật. Điều này khiến cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, nhất là trên thị trường quốc tế khi Việt Nam đã gia nhập WTO, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ý thức được thách thức, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới rất nặng nề khi những tác động của tình hình trong và ngoài nước vừa tạo ra thời cơ, vừa đặt ra những thách thức, yêu cầu cao đối với sự phát triển của Hiệp hội. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội thống nhất một số mục tiêu chủ yếu trong thời gian tới, trong đó nòng cốt vẫn là tổ chức các hoạt động phục vụ doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, Hiệp hội đề ra mục tiêu thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức diễn đàn kinh tế Thủ đô và hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua các diễn đàn doanh nghiệp Hà Nội để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, kiến nghị đề xuất những nội dung bất cập với thành phố để báo cáo các bộ, ngành điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Sau những thành tựu đạt được cũng như nhiều kinh nghiệm đã tích lũy, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội kỳ vọng và vững tin sẽ thực hiện tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để thực sự là bạn hàng đối tác của nhau… Có như vậy, đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố sẽ có “ngôi nhà chung” với điểm tựa vững chắc để tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, các ngân hàng mong muốn được hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phục hồi kinh tế, nhưng các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo tiêu chí minh bạch để tiếp cận vốn. Nếu doanh nghiệp thiếu minh bạch trong quản trị điều hành và tài chính hay vướng pháp lý thì khó vay vốn. Trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, ngân hàng sẽ nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua việc ứng dụng chuyển đổi số, chẳng hạn như sử dụng nền tảng kết nối vay vốn tín chấp MISA Lending và nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP. MISA Lending sẽ giúp kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc vay vốn với mạng lưới đối tác tài chính uy tín hàng đầu Việt Nam. Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, MISA Lending tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn dưới sự đồng ý của khách hàng, từ đó ứng dụng thuật toán để tính toán, đề xuất các khoản vay phù hợp từ mạng lưới đối tác tài chính.
Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại
Theo ông Nguyễn Ánh Dương – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến, kết nối các quận – huyện của Thành phố và các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần tăng cường liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến nhằm khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế của mỗi địa phương.
Với việc tích cực tổ chức các hoạt động và đổi mới hoạt động xúc tiến, nửa đầu năm nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và các sở, ngành đã triển khai thực hiện 62 hoạt động thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong đó, với lĩnh vực xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong khuôn khổ hội nghị các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội. Tổ chức tham gia hội nghị “Xúc tiến đầu tư Vùng đồng bằng sông Hồng” tại Quảng Ninh, hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc tại Bắc Ninh, hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội,…
Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Triển khai các hoạt động tiếp xúc, kết nối, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư các nước,..
Trong hoạt động xúc tiến tại nước ngoài, trung tâm đã tổ chức đoàn công tác Thành phố tham gia hội chợ hàng trang trí nội thất và quà tặng Ambiente Frankfurt 2023 tại Cộng hòa liên bang Đức từ ngày 3-7/2; chương trình giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2023 từ ngày 20-24/4 với sự tham gia của 29 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội; tổ chức đoàn tham gia hội chợ về thực phẩm hữu cơ – Hội chợ Biofach tại Cộng hòa liên bang Đức từ ngày 14 – 17/2.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn AEON, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Chương trình Tuần hàng Việt Nam năm 2023 từ ngày 23-25/6 trên toàn bộ hệ thống cửa hàng của AEON tại Nhật Bản.
Ở trong nước, các hoạt động xúc tiến cũng được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội triển khai rộng khắp với nhiều hình thức khác nhau.
Với mong muốn thúc đẩy hoạt động xúc tiến giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương, quảng bá điểm đến du lịch tới người dân và du khách, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức hội chợ Happy Tết 2023 tại Hà Nội từ ngày 13-15/1 tại huyện Hoài Đức.
Các hội chợ “Nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023”, hội chợ “Xúc tiến thương mại – du lịch 2023, hội chợ “Hàng tiêu dùng Hà Nội, “Phiên chợ đặc sản, hàng quà tặng, thủ công mỹ nghệ, OCOP Hà Nội đã lần lượt được tổ chức tại quận Bắc Từ Liêm, huyện Mỹ Đức, Hà Đông, quận Đống Đa vào tháng 1, 3 và 6/2023…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã triển khai thực hiện 62 hoạt động thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư. |
Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2023 từ ngày 18-22/5 tại quận Bắc từ Liêm đã thu hút sự tham gia của 90 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản, sản phẩm OCOP. Sự kiện đã thu về doanh thu khoảng 18 tỷ đồng, 20.000 lượt người tiêu dùng tham quan, mua sắm.
Các chương trình Tuần hàng trái cây, nông sản tại một số quận, huyện trên địa bàn thanh phố cũng thu hút sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp, người tham qua mua sắm, đem lại lượng doanh thu cao.
Trung tâm cũng tổ chức sự kiện Giờ Trái đất, tiết kiệm điện năm 2023 trên địa bàn Hà Nội với quy mô gần 250m2 khu trưng bày các sản phẩm tiêu biểu tiết kiệm năng lượng.
Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức 10 lớp tập huấn kiến thức cho khoảng 1.000 người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng sản phẩm nông – lâm – thủy sản trên địa bàn thành phố về các quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức 4 lớp tập huấn cho khoảng 400 học viên về tình hình thị trường tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ, rào cản từ thị trường nước ngoài,…
Trong lĩnh vực xúc tiến du lịch, hồi tháng 3, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với quy mô 150 gian hàng của 14 tỉnh, thành trên cả nước. Lễ hội được tổ chức với nhiều điểm mới, ấn tượng, giới thiệu đến du khách nhiều điểm đến hấp dẫn như Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, Ba Vì, Sóc Sơn, làng cổ Đường Lâm – Sơn Tây,…
Ngoài ra, Trung tâm còn tham gia hội chợ “Du lịch quốc tế VITM 2023” được tổ chức hồi tháng 4. Trong đó, khu gian hàng thành phố Hà Nội được thiết kế theo không gian mở, mang tính truyền thống, điểm nhận là biểu tượng “Khuê Văn Các” đã ghi được dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách.
Trung tâm cũng đã tổ chức thành công Farmtrip khảo sát tuyến điểm du lịch Hà Nội – Đông Anh – Sóc Sơn với sự tham gia của gần 200 đại biểu tham dự.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, tình hình thế giới những tháng cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tốt tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Điều này đòi hỏi các hoạt động xúc tiến của Thành phố cần có các thay đổi linh hoạt, đổi mới kịp thời.
Trong nửa cuối năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, có kinh nghiệm và tiềm năng tài chính trong những lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
Bên cạnh đó, triển khai nhiều hoạt động hợp tác xúc tiến theo chiều sâu với các địa phương trên toàn quốc.Cùng với đó là đa dạng các hoạt động xúc tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xúc tiến. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tuyên truyền, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và kết nối đầu tư,…
Thông tin về Lễ tôn vinh “Doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long 2023” sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 12/11/2023, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có 21.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 208.800 tỷ đồng, tăng 7% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ. 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp Thủ đô tăng trưởng nhẹ 3 – 4% nhưng lợi nhuận giảm do lãi suất ngân hàng tăng cao khiến biên độ lợi nhuận giảm. |
Hà Phong
Nguồn: Báo lao động thủ đô