Bắc Ninh: Tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phục vụ chăn nuôi
Bắc Ninh: Tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phục vụ chăn nuôi
Từ ngày 15-9 đến ngày 15-10, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Được biết, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 350.500 con gia súc, 5,9 triệu con gia cầm. Khoảng 1 tháng trở lại đây, các hộ bắt đầu tăng đàn để bước vào vụ chăn nuôi cuối năm, phục vụ thị trường Tết. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, ở đợt cao điểm vệ sinh tiêu độc khử trùng này, ngành chuyên môn khuyến cáo chính quyền các địa phương, chỉ đạo các cán bộ thú y cơ sở hướng dẫn người dân tập trung vệ sinh các khu vực chăn nuôi, giết mổ.
Cụ thể, đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại chăn nuôi; quét dọn thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn; khơi thông cống rãnh. Phun hóa chất khử trùng toàn bộ ổ dịch cũ, khu vực chuồng nuôi, vệ sinh, khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn,… trước khi ra, vào cơ sở chăn nuôi. Vệ sinh sạch sẽ phương tiện, dụng cụ vận chuyển. Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật, khu giết mổ và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ; xử lý chất thải rắn trong chợ bằng các biện pháp chôn hoặc đốt.
Ở nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu phố, phát động toàn dân thường xuyên tham gia quét dọn tổng vệ sinh môi trường. Kết quả, đến nay, 100% các thôn, khu phố thuộc 126 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; huy động hơn 130,7 nghìn lượt người tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu dọn được hàng trăm tấn rác thải đốt, ủ và chôn huỷ. Toàn tỉnh sử dụng 17.350 lít hoá chất và 934,3 tấn vôi bột, khử trùng, tiêu độc được hơn 37,1 triệu m2 chuồng trại chăn nuôi, cơ sở ấp nở, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu phố, nơi có ổ dịch cũ,…
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, giai đoạn này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi do thời tiết giao mùa làm giảm sức đề kháng của con vật; lưu lượng vận chuyển gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tái đàn tăng cao; thực trạng chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát;…
Vì vậy, tiếp sau tháng cao điểm này, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân, các cơ sở chăn nuôi nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường và tự giác thực hiện tại cơ sở của mình, chú trọng tiêm phòng đầy đủ. Qua đó, giúp chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm; nâng cao giá trị kinh tế tối đa cho người chăn nuôi; bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường xung quanh.
Thanh Hằng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị