Động lực mới phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ theo chiều sâu

Động lực mới phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ theo chiều sâu

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là một trong những điểm nhấn với kỳ vọng sẽ đưa mối quan hệ hợp tác song phương của hai nước đi vào thực chất và có chiều sâu trong giai đoạn phát triển mới.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đăng tải bài viết “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Động lực mới để phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ theo chiều sâu” của tác giả Trần Thị Thúy – Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ. Chúng tôi xin phép chia sẻ bài viết trên để bạn đọc tham khảo.

Mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ đang trở thành chủ đề rất được quan tâm trong thời gian gần đây với một loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao như chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10-11/9/2023 và các buổi làm việc song phương tại Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ 18-22/9/2023 nhân dịp tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78. Trong nội dung của các buổi làm việc này, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã được coi là một trong những điểm nhấn với kỳ vọng sẽ đưa mối quan hệ hợp tác song phương của hai nước đi vào thực chất và có chiều sâu trong giai đoạn phát triển mới.

Hợp tác Việt Nam – Mỹ trong lĩnh vực KH,CN&ĐMS

Tháng 12/2000 tại Hà Nội, Hiệp định hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Mỹ được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Đây là Hiệp định hợp tác đầu tiên được ký kết sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ và đặt nền móng cho các hoạt động hợp tác KH&CN trên nhiều lĩnh vực. Kể từ đó tới nay, hai bên đã luân phiên tổ chức 11 Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN Việt Nam – Mỹ để trao đổi về các nội dung mà hai bên cùng quan tâm.

tm-img-alt
Phiên toàn thể Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về KH&CN Việt Nam – Mỹ lần thứ 11 tại Hà Nội, tháng 12/2022.

Đứng trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cả Việt Nam và Mỹ đều nhận thấy tầm quan trọng của KH,CN&ĐMST, cũng như sự cần thiết của việc mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST để tăng cường tính đa dạng và bổ trợ lẫn nhau trong quá trình hợp tác. Tại Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về KH&CN Việt Nam – Mỹ lần thứ 11 tại Hà Nội từ ngày 8-9/12/2022 do Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp tổ chức, hai bên đã thảo luận về các lĩnh vực quan tâm, bao gồm: khoa học y tế và sức khỏe; biến đổi khí hậu; khoa học bảo tồn; công nghệ sinh học trong nông nghiệp và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, hai bên cũng đã thống nhất về cơ chế hỗ trợ triển khai các hoạt động này, bao gồm: đồng tổ chức các hội nghị/hội thảo giữa hai bên để trao đổi học thuật và trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; tài trợ độc lập hoặc đồng tài trợ các dự án nghiên cứu chung của hai bên; tăng cường hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ và đào tạo.

Thực tế cho thấy, Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, các thành phần thuộc hệ thống KH,CN&ĐMST của Việt Nam. Đối với các trường đại học, Mỹ đã tích cực hỗ trợ việc phát triển hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam thông qua các dự án như: hỗ trợ trang thiết bị nghiên cứu cho không gian sáng chế tại Trường Đại học Cần Thơ; đổi mới chương trình đào tạo đại học 6 năm dành cho bác sĩ y khoa tại 5 trường đại học y dược trong cả nước; đổi mới chương trình đào tạo dựa trên lý thuyết sang chương trình toàn diện; dự án Đổi mới giáo dục đại học (PHER)…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ quan của Mỹ cũng tích cực hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn Boeing đã cam kết sẽ có đóng góp cho phát triển KH,CN&ĐMST tại Việt Nam, khởi đầu với chương trình đào tạo nhân lực ngành hàng không. Ngày 25/8/2023, lần đầu tiên Diễn đàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Boeing được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp, nhà cung cấp, đại diện các trường đại học và cơ quan quản lý. Sự kiện này đánh dấu sự cam kết của Tập đoàn Boeing trong việc từng bước đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng kỹ thuật hàng không cho Boeing và ngành hàng không quốc tế. Các doanh nghiệp khác như  Intel, Nvidia, Synopsys… cũng đang triển khai nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam.

Nhiều tiềm năng, nhưng không phải tất cả đều là “màu hồng”

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây, Tổng thống Joe Biden cho biết, hợp tác về KH,CN& ĐMST giữa Việt Nam và Mỹ là không có giới hạn. Điều này cho thấy, tiềm năng hợp tác giữa hai bên là vô cùng to lớn. Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, hai bên đã có nhiều kế hoạch về việc hợp tác trong KH,CN&ĐMST, như hợp tác nghiên cứu và hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn của Mỹ, trong đó phía Mỹ sẽ hỗ trợ việc đào tạo nhân lực, cung cấp một số loại giấy phép…  Hai bên cũng thống nhất về việc thành lập 2 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; đồng thời tuyên bố thành lập Chương trình hợp tác nghiên cứu KH&CN Việt Nam – Mỹ (VUSTAR) với sự tham gia của Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ KH&CN Việt Nam.

tm-img-alt
Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương.

Trong các buổi làm việc với các công ty công nghệ lớn tại Thung lũng Silicons (Nvidia, Sysnopsys, Meta) của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ 18-22/9/2023 nhân dịp tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, các cơ quan, doanh nghiệp của cả hai phía Việt Nam và Mỹ đã báo cáo về những kết quả hợp tác bước đầu khá tốt đẹp trong đào tạo nhân lực, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các công ty công nghệ của Mỹ tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực về công nghệ, quản lý và đào tạo để hỗ trợ Việt Nam sớm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp của Mỹ đều nhất trí cao và bày tỏ cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam.

Những thỏa thuận và cam kết đầy tính tích cực và liên tục trong thời gian qua giúp chúng ta có thể kỳ vọng mối quan hệ hợp tác  giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST thời gian tới. Mặc dù vậy, nếu xét từ khía cạnh quản lý hay kỹ thuật thì các chuyên gia đều có chung nhận định: con đường hợp tác này chưa chắc sẽ bằng phẳng mà có lẽ sẽ tương đối gập ghềnh và chông gai. Xét về khía cạnh quản lý thì hệ thống quản lý nói chung, đặc biệt là hệ thống ĐMST của mỗi nước có nhiều điểm khác biệt, do đó sẽ mất rất nhiều thời gian để hai bên có thể tìm hiểu kỹ lưỡng về đối tác của mình, nhằm bảo đảm sự thông suốt trong quá trình triển khai. Xét trên khía cạnh công nghệ, thì nền tảng phát triển công nghệ của hai bên có nhiều điểm chưa tương đồng, do vậy Việt Nam dễ bị phụ thuộc và rơi vào thế yếu nếu không có sự chuẩn bị một cách đầy đủ và kỹ lưỡng.

Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hợp tác về KH,CN&ĐMST

Mặc dù có thể có nhiều thách thức, nhưng không thể phủ nhận rằng việc hợp tác với Mỹ là một cơ hội rất tốt để Việt Nam có được “sức bật” cần thiết sau một thời gian tích lũy về năng lực công nghệ và quản lý trên nền tảng sự phát triển về kinh tế – xã hội một cách tương đối ổn định. Để có sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ hơn cho quá trình hợp tác với Mỹ về KH,CN&ĐMST, thiết nghĩ Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp cơ bản gồm:

Thứ nhất, Mỹ là một đối tác có hệ thống pháp luật và quản lý rất phức tạp, một vấn đề nhưng có sự tham gia, giám sát của nhiều đơn vị khác nhau. Vì vậy, trước một vấn đề hợp tác cụ thể, Việt Nam cần thiết phải nghiên cứu một cách đầy đủ  về cách thức tổ chức quản lý của Mỹ; đồng thời cử một đơn vị làm đầu mối tổng thể, với sự tham gia, phối hợp của nhiều đơn vị có liên quan và xây dựng cơ chế chặt chẽ trong quá trình hợp tác. Điều này sẽ giúp bao quát được các nội dung thảo luận, đồng thời có sự bọc lót, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình thực thi.

Thứ hai, Việt Nam cần có một kế hoạch chung trong hoạt động hợp tác về KH,CN&ĐMST với Mỹ, trong đó định hướng các vấn đề mà Việt Nam mong muốn thúc đẩy, đồng thời xác định những vấn đề mà phía Mỹ đang hoặc sẽ mong muốn thúc đẩy để có sự so sánh, đánh giá và nhận định chung trong quá trình hợp tác. Thực tế đã có những trường hợp vấn đề mà Việt Nam mong muốn thì phía Mỹ không quan tâm, hoặc ngược lại, Mỹ mong muốn hợp tác nhưng Việt Nam lại chưa có đủ điều kiện để triển khai. Chính vì vậy, việc đánh giá trước về các vấn đề mà hai bên quan tâm sẽ giúp có được cái nhìn tổng thể và hỗ trợ cho quá trình đàm phán, thảo luận trước khi thống nhất về các nội dung hợp tác cụ thể.

Thứ ba, để nâng cao tính chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và đặc biệt là với Mỹ, Việt Nam cần nâng cao năng lực của đội ngũ tham gia hệ thống KH,CN&ĐMST cả về quản lý, nghiên cứu khoa học hay hoạch định chiến lược. Con người là yếu tố “then chốt” trong mọi vấn đề, vì thế chỉ có thể nâng cao năng lực của chủ thể thực hiện, tiếp cận với trình độ và tư duy quản lý, tư duy nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế thì Việt Nam mới có thể tự tin trong quá trình hợp tác với bất cứ đối tác quốc tế nào.

Với những chương trình và kế hoạch triển khai đã được hai bên thảo luận và thống nhất trong thời gian qua, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đẩy mạnh hoạt động hợp tác với Mỹ – đối tác công nghệ hàng đầu thế giới để nâng cao trình độ quản lý và nghiên cứu khoa học trong nước, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Chắc chắn rằng, nếu có sự chuẩn bị một cách đầy đủ thì lĩnh vực KH,CN&ĐMST của Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa và đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới.

Trần Thị Thúy
Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích