Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Để làm được điều đó, quy hoạch cần có cách xác định để lựa chọn các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, có thể hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau. Vì vậy, việc xác định các tiểu vùng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng cần xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối thay vì đầu tư dàn trải như hiện nay.
“Lâu nay, các dự án kinh tế – xã hội thường được phát triển riêng lẻ từng địa phương, quy hoạch lần này cần ưu tiên các dự án liên địa phương thuộc các tiểu vùng hoặc cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Hội nghị sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn vướng mắc hiện nay của vùng, qua đó hướng tới phát triển lâu dài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó, giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Quy hoạch vùng hướng đến việc chủ động kiến tạo phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; để tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng sẽ là cơ sở để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác, bao gồm việc đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.
“Xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của vùng; xác định hệ thống các cực tăng trưởng, vùng động lực, hành lang kinh tế, những ngành lợi thế của vùng. Xác định quy hoạch vùng không gian phát triển theo các tiểu vùng: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải… Các đề xuất về phát triển khu chức năng trong vùng như: Hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu du lịch…”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Theo báo cáo đề dẫn về lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ được quy hoạch theo hướng bảo đảm khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng trên cơ sở kết nối các tỉnh/thành phố. Bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế – xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng dân cư. Quá trình lập quy hoạch cần kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và đảm bảo sinh kế bền vững của người dân.
Mục tiêu lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ cần đạt được các mục tiêu đề ra, gồm: Là công cụ quản lý của Nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế – xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển. Cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp kinh tế – xã hội đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 là: “Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, sản xuất, lắp ráp ôtô. Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông – Tây, phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ, hạn hán, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, bờ biển”.
Cụ thể hóa phương hướng tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được đề ra trong các quy hoạch cấp quốc gia làm căn cứ và định hướng để lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch. Đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế của vùng, hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo môi trường và động lực để các địa phương trong vùng phát triển theo định hướng phát triển của quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm việc xây dựng hệ thống đô thị ven biển của vùng trở thành các trung tâm kinh tế trên địa bàn vùng, là các hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng và các vùng lân cận.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.