Yên Bái đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong nuôi trồng thủy sản
Yên Bái đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong nuôi trồng thủy sản
Những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những bước tiến lớn cả về quy mô, năng suất và sản lượng. Nhiều mô hình, giống cá giá trị cao được đưa vào nuôi trồng đã góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thiên tai… Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị, sản lượng của ngành này.
Mặc dù là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái có nhiều tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản với diện tích mặt nước lên đến 23.000 ha; trong đó, hồ Thác Bà có diện tích mặt nước lớn nhất với 19.050 ha. Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống sông, suối, hồ, ao, ruộng rất phong phú, khá thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản.
Qua đánh giá, thời gian qua, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại Yên Bái được duy trì ổn định, hình thức nuôi trồng được phát triển phong phú; năng suất, sản lượng nuôi trồng qua các năm cơ bản đều tăng, góp phần đáng kể giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2022, tổng diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng khai thác đạt 22.390 ha, sản lượng nuôi trồng và khai thác cả năm ước đạt 13.751 tấn, tăng 7% so với năm 2021; giá trị thủy sản cả năm ước đạt khoảng 370 tỷ đồng; toàn tỉnh hiện có 2.645 lồng cá. Riêng trong 7 tháng năm 2023, sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt 7.913 tấn, giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt khoảng 210 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nuôi trồng thủy sản ở Yên Bái cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức do môi trường nuôi trồng đang bị suy thoái, ô nhiễm. Bên cạnh đó, thời tiết cũng diễn biến thất thường cũng làm gia tăng dịch bệnh thủy sản…
Trước tình hình đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản như: công nghệ nuôi, giống mới, công nghệ bảo quản, chế biến và bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Ngọc Đại – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường quản lý cơ sở sản xuất giống theo các điều kiện sản xuất đảm bảo quy trình, có nguồn gốc xuất xứ theo quy định; đảm bảo 100% giống đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ cho người dân về nuôi cá lồng, cá nước lạnh, thâm canh các loại thủy sản theo hướng hàng hóa; chú trọng hướng dẫn người nuôi áp dụng và thực hiện tốt các quy trình sản xuất an toàn để tạo ra các sản phẩm sạch; sử dụng con giống và thức ăn có kiểm soát đầu vào, đảm bảo chất lượng tốt để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và người tiêu dùng.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường thực hiện quan trắc và giám sát chất lượng môi trường nước mặt, nước thải từ vùng nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung; áp dụng công nghệ mới trên nền tảng số để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và thông tin kịp thời kết quả quan trắc; làm tốt công tác dự báo, quy hoạch, thị trường tiêu thụ sản phẩm, xu hướng thị trường, quy hoạch ngành hàng, sản phẩm và đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử.
Để phấn đấu đưa sản lượng nuôi trồng đạt 13.500 tấn, tốc độ tăng giá trị sản xuất thuỷ sản bình quân từ 7 – 9%/năm, giá trị sản sản xuất thủy sản đạt trên 485 tỷ đồng vào năm 2025, tỉnh tiếp tục khuyến khích mở rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả, đặc sản có lợi thế của địa phương như: phát triển trang trại nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) tại các xã, huyện vùng cao; nuôi ba ba gai tại các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn; phát triển và bảo tồn các loài cá đặc sản địa phương như: cá dầm xanh, cá anh vũ, chiên, lăng, ngạnh, chép, trắm đen…
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất thức ăn thủy sản (thức ăn tự chế, công nghiệp) phù hợp từng đối tượng nuôi, hình thức, điều kiện theo hướng giảm phụ thuộc vào bột cá; tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giảm giá thành, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và bảo vệ môi trường.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị