Khởi công xây dựng công trình mốc độ cao thế kỷ tại Hà Nội
Công trình xây dựng mốc độ cao thế kỷ sẽ cung cấp giá trị độ cao chính xác phục vụ công tác quy hoạch phát triển đô thị và các công trình phụ trợ.
Khởi công xây dựng công trình cột mốc độ cao thế kỷ. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Ngày 11/10, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình mốc độ cao thế kỷ thuộc Dự án “Hiện đại hóa hệ thống độ cao Quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển” tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Ông Hoàng Ngọc Huy – Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam cho biết dự án trên được đơn vị này thực hiện trong vòng 3 năm (từ năm 2022 – 2025) với 99 mốc độ cao trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố.
Dự án triển khai với mục đích hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia bền vững, ổn định đảm bảo xác định chính xác và thống nhất về độ cao của mọi điểm, mọi vị trí trong cả nước; đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng về phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó, hạng mục xây dựng mốc độ cao thế kỷ sẽ cung cấp giá trị độ cao chính xác phục vụ công tác quy hoạch phát triển đô thị và các công trình phụ trợ như: Hệ thống giao thông, cống thoát nước, hệ thống đường ống,… từ đó giúp tăng cường hiệu quả chống ngập úng, bố trí quy hoạch phù hợp với địa hình.
Hạng mục xây dựng mốc độ cao thế kỷ dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 12/3/2025.
Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Hoàng Ngọc Huy chia sẻ tại lễ khởi công. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Ông Huy nhấn mạnh trong quá trình triển khai thi công, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỹ thuật công trình và công tác an toàn, vệ sinh môi trường; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật được phê duyệt, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Nói thêm về ý nghĩa của việc triển khai dự án trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay hệ thống độ cao là một thành phần trong hệ thống các lưới trắc địa cơ bản quốc gia, đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Hệ thống độ cao có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu địa hình lãnh thổ, lãnh hải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai lũ lụt và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vì thế, việc xác định bảo đảm độ chính xác và sự thống nhất về độ cao cho mọi vị trí trên phần đất liền và trên các đảo luôn là yêu cầu hàng đầu cần phải đạt được của một hệ thống độ cao hiện đại.
Tại Việt Nam, mạng lưới độ cao được xây dựng từ những năm 1959 và đã trải qua nhiều giai đoạn đo đạc xây dựng. Lần xây dựng gần nhất là giai đoạn từ năm 2001 đến 2008, trong đó các đường độ cao hạng I và hạng II đã được đo đạc lại.
Nghi thức khởi công xây dựng công trình mốc độ cao thế kỷ. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát vào năm 2016 về hiện trạng hệ thống điểm mốc độ cao nhà nước hạng I, hạng II trên phạm vi toàn quốc do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trước đây thực hiện cho thấy có tới hơn 30% số lượng điểm mốc độ cao triển khai trước đây đã bị mất, bị hư hại không sử dụng được.
Đến nay, tại nhiều nơi, nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc, hệ thống điểm mốc độ cao quốc gia cần phải được bổ sung, hoàn thiện và cần được đo đạc, kiểm tra, đánh giá, tính toán bình sai lại một cách hệ thống để đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy; phục vụ hiệu quả cho công tác quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vì thế, để đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện dự án trên đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ công tác quản lý của các bộ, ngành và địa phương./.
Nguồn: Báo xây dựng