Xây dựng đội ngũ doanh nhân mạnh để thực hiện khát vọng đất nước hùng cường
Doanh nghiệp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhắc lại, cách đây 19 năm, vào ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Đây cũng là ngày mà vào năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước. Kể từ năm 2004, ngày 13/10 đã trở thành Ngày Tết Doanh nhân, là ngày các doanh nhân cùng tập hợp lại, cùng suy ngẫm, cùng bàn luận về những đóng góp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, để thúc đẩy Việt Nam sớm sánh vai các cường quốc năm châu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, về tư tưởng, giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho cho Việt Nam phát triển và mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội.
Các doanh nghiệp bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về việc vừa ban hành Quyết định 25 để tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất cho năm 2023, kịp thời gỡ khó phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp.
Về các giải pháp trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định xây dựng ngay từ bây giờ, cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết các FTA…
Các hiệp hội doanh nghiệp mong muốn được phát huy vai trò để hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho các doanh nghiệp và là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo về hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn nhưng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 9/2023, toàn quốc có 881.229 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh. Trong 9 tháng năm 2023, có 165.240 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Trong 9 tháng năm nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo ước tính của Cục thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đạt 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng đã cơ bản nỗ lực sản xuất để tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. 6 tháng năm 2023, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp Nhà nước đạt 690.000 tỷ đồng. Ước cả năm, tổng doanh thu toàn khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 4%, lãi phát sinh tăng 7% nộp ngân sách Nhà nước.
Điều đặc biệt đáng ghi nhận đó là trong bối cảnh hết sức khó khăn đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tiêu biểu chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới, trí tuệ cao. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.
Đại diện doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp để phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam như: Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…
Chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi gặp mặt giới doanh nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nỗ lực vượt khó khăn để phát triển lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Thủ tướng cảm ơn, tri ân đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước với những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu một số tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”. Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ mong các doanh nhân tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương thể chế hóa, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các cơ quan Nhà nước cần xác định việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Do đó, cần khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự buổi gặp mặt, trong đó có các doanh nhân nữ tiêu biểu – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp phát huy thật hiệu quả vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, làm tốt công tác tư vấn, phản biện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; là cầu nối, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết.
Nguồn: Báo lao động thủ đô