Hội thảo quốc tế về các chính sách và giải pháp giảm thiểu chất thải

Hội thảo quốc tế về các chính sách và giải pháp giảm thiểu chất thải

Ngày 11/10/2023, tại TP. HCM, Công ty Informa Markets Vietnam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo về các chính sách và giải pháp giảm thiểu chất thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Tới tham dự hội thảo có đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Khoa học và Công nghệ;  Đại sứ quán Hà Lan; Đại sứ quán Phần Lan; Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Ban Điều hành Mạng lưới các nhà Khoa học và Công nghệ Đông Nam Á, Cơ quan nước quốc gia Singapore, Cơ quan nước Philippines, Hội nước Malaysia; Đại diện Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam; các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước; môi trường đô thị; tái chế; xử lý chất thải…trong và ngoài nước.

tm-img-alt
Các đại biểu tham dự hội thảo

Nền kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng suốt hàng chục năm qua đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân theo hướng hiện đại, văn minh.

tm-img-alt

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, những mặt trái của sự tăng trưởng nhanh và liên tục. Đó là lượng chất thải gia tăng nhanh chóng về cả khối lượng lẫn tính phức tạp, kéo theo sức ép lớn tới môi trường và xã hội.

Ước tính, mỗi ngày Việt Nam phát sinh hơn 64 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt và con số này không ngừng tăng qua các năm. Để xử lý lượng rác thải này, cả nước đã có hơn 1,3 nghìn cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, bao gồm các lò đốt rác, dây chuyền chế biến phân compost và bãi chôn lấp.

Ông Trần Việt Anh chỉ ra một thực trạng đáng buồn, theo một thống kê gần đây, khoảng 85% lượng chất thải rắn đang được xử lý bằng cách chôn lấp. Điều này vừa khiến rác thải có nguy cơ tiếp tục gây ra ô nhiễm hệ sinh thái đất, nước và không khí, vừa phí phạm một lượng lớn tài nguyên, bởi rất nhiều rác thải có thể được xử lý thành phế liệu có giá trị kinh tế cao nếu được đưa vào tái chế, tái sản xuất.

Thực tế, song song với sự gia tăng nhanh chóng của rác thải, ngành công nghiệp tái chế cũng đã xuất hiện và không ngừng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đa phần nhỏ lẻ, tự phát, ít có sự phát triển về quy trình và công nghệ, lại gặp thách thức lớn đến từ hệ thống thu gom, phân loại và xử lý chất thải còn nhiều vướng mắc.

tm-img-alt
Giải pháp phát triển ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa của Việt Nam. Ảnh IT

Không chấp nhận ô nhiễm như một mặt trái mang tính tất yếu của phát triển kinh tế, thời gian vừa qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững. Cuối năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chính thức được phê duyệt, đưa ra cách tiếp cận mới dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn cùng công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), mở ra nhiều cơ hội mới, hướng đi mới cho ngành tái chế.

Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Việt Nam cam kết với thế giới về việc đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết ấy như một lời khẳng định mạnh mẽ, lời hiệu triệu toàn thể cộng đồng cùng hướng tới mục tiêu chung cắt giảm phát thải, xanh hóa nền kinh tế.

Tại hội thảo, một số vấn đề liên quan đến hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương trên toàn quốc được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra, phân tích, trong đó có những khó khăn trong việc xử lý thu gom và chi phí quản lý và một số vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn. Đặc biệt, đem đến cho các doanh nghiệp thêm cơ hội để khám phá các hình thức kinh doanh tiềm năng.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Phòng quản lý chất thải rắn – Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường phổ biến và hướng dẫn một số văn bản pháp luật, chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Một số văn bản pháp luật, chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được ông Nguyễn Minh Cường, Phó Phòng quản lý chất thải rắn- Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường phổ biến và hướng dẫn cụ thể đến với các đại biểu tham dự chương trình.

tm-img-alt
Ông Daniel Stork – Tổng lãnh Hà Lan tại TP.HCM đã chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý chất thải rắn từ Hà Lan đến với Việt Nam

Ông Daniel Stork – Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM đã chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý chất thải rắn từ Hà Lan đến với Việt Nam.

Với vốn kinh nghiệm dày dặn cùng với những biện pháp cụ thể, Hà Lan cam kết sẽ tiếp tục hợp tác và đầu tư vào các dự án cụ thể tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn” ông Daniel Stork cho biết.

tm-img-alt
Ông Đặng Hữu Bình – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội phát biểu tham luận

Ngoài ra, đối với các thông tin về cơ hội đầu tư các dự án xử lý cũng như tái chế chất thải rắn sinh hoạt Việt Nam được ông Đặng Hữu Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội chia sẻ trong bối cảnh nguồn xử lý chất thải ngày càng tăng và ý thức về bảo vệ môi trường ngày càng cao, các cơ hội đầu tư vào các dự án xử lý và tái chế chất thải sinh hoạt tại Việt Nam đang trở nên vô cùng hấp dẫn.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Quốc Trung – Nhà sáng lập Trung tâm Bảo vệ Môi trường và Ứng phó Biến đổi khí hậu tham luận tại hội thảo

Đối với cơ hội cho doanh nghiệp trong lộ trình giảm thiểu carbon, hướng đến mục tiêu net zero, ông Nguyễn Quốc Trung – Nhà sáng lập Trung tâm Bảo vệ Môi trường và Ứng phó Biến đổi khí hậu cho biết: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, việc giảm lượng khí thải nhà kính và hướng đến mục tiêu net zero đã trở thành một mục tiêu hàng đầu thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào lộ trình giảm thiểu carbon và hướng đến mục tiêu net zero không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh doanh đáng kể. Việc này còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành và năng lượng, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực công nghệ xanh và các sản phẩm, dịch vụ thân thiên với môi trường./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích