Người nước ngoài chuyển nhượng vốn góp, nộp thuế thế nào?
(Xây dựng) – Bà Halena Van (Thành phố Hồ Chí Minh) có quốc tịch nước ngoài, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2006. Năm 2018, bà chuyển nhượng vốn góp cho người khác. Sau khi chuyển nhượng bà kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất là 0,1%.
Người nước ngoài chuyển nhượng vốn góp, nộp thuế thế nào? |
Tuy nhiên, đơn vị thuế đề nghị bà Halena Van kê khai bổ sung hợp đồng chuyển nhượng trên với thuế suất là 20% do bà đã ở lại Việt Nam quá 183 ngày. Bà đã làm tường trình lý do ở Việt Nam là trường hợp bất khả kháng.
Bà Halena Van hỏi, trường hợp bất khả kháng bà có được trừ khoảng thời gian ở lại Việt Nam để giải quyết vụ việc không? Bà có thuộc diện miễn giảm thuế theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần hay được miễn giảm nào trong trường hợp này không?
Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019:
– Tại Điều 47 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai:
“Điều 47. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế
1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.
… 3. Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
a) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;
b) Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế”.
– Tại Điều 59 quy định về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế:
“Điều 59. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế
1. Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp bao gồm:
… b) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;
c) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách Nhà nước;
… 2. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:
a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;…”.
– Tại Điều 142 quy định về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu;
Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế:
Tại Khoản 4 Điều 7 quy định về hồ sơ khai thuế;
“Điều 7. Hồ sơ khai thuế
… 4. Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Người nộp thuế khai bổ sung như sau:
a) Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.
Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có sai, sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm; riêng trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.
b) Người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có)…”.
Căn cứ tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân:
Tại Điều 11 quy định về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn:
“Điều 11. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn
1. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.
a) Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
… b) Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.
c) Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.
d) Cách tính thuế
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 20%
Hồ sơ miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế
Căn cứ Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tải chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.
Căn cứ Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế:
Tại Khoản 2 Điều 62 quy định về thủ tục hồ sơ miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (Hiệp định thuế):
“2. Đối với cá nhân nước ngoài:
a) Đối với cá nhân là đối tượng cư trú của nước ngoài có thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập và thu nhập khác thuộc đối tượng nộp thuế thông qua bên Việt Nam ký hợp đồng hoặc chi trả thu nhập
a.1) Trong thời hạn 15 ngày trước khi thực hiện hợp đồng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam: Cá nhân nước ngoài gửi cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế để nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam cùng với hồ sơ khai thuế của lần khai thuế đầu tiên. Hồ sơ gồm:
a.1.1) Văn bản đề nghị theo mẫu số 01/HTQT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này;
a.1.2) Bản gốc (hoặc bản sao đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
a.1.3) Bản sao Hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản sao đó (nếu có);
a.1.4) Bản sao Hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại Việt Nam (đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh) hoặc bản sao giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc của khoản thu nhập (đối với các loại thu nhập khác) và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản sao đó;
a.1.5) Bản sao hộ chiếu sử dụng cho việc xuất nhập cảnh tại Việt Nam và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản sao đó;”.
Trường hợp bà Halena Van có quốc tịch nước ngoài, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2006. Năm 2018 có chuyển nhượng vốn góp cho người khác thì về nguyên tắc, trong năm tính thuế năm 2018, bà là cá nhân cư trú thì khi chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH đề nghị bà thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.
Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế đề nghị bà thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Nguồn: Báo xây dựng