Phát động thi sáng tạo logo, slogan và app Bộ pháp điển
Bộ pháp điển là tập hợp các quy phạm pháp luật (QPPL) đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp. Các QPPL được sắp xếp theo một cấu trúc lôgic, khoa học, thống nhất, giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật. Các QPPL hết hiệu lực bị loại bỏ ra khỏi Bộ pháp điển và các QPPL mới ban hành được cập nhật kịp thời.
Thông qua Cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn tăng mức độ nhận diện, hiểu biết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Bộ pháp điển và phát huy giá trị khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.
Đối tượng dự thi là các cá nhân, tập thể có khả năng sáng tạo Biểu trưng (Logo) hoặc Khẩu hiệu (Slogan) hoặc Mô phỏng ứng dụng điện tử (App) và tự nguyện đăng ký tham gia dự thi trong phạm vi toàn quốc. Người tham gia có thể dự thi theo cá nhân hoặc tập thể bằng hình thức gửi bài trực tiếp hoặc trực tuyến về Bộ Tư pháp. Mỗi tác giả/nhóm tác giả được dự thi tối đa 2 tác phẩm/1 nội dung thi.
Bộ pháp điển Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển – phapdien.moj.gov.vn và được khai thác, sử dụng miễn phí. |
Về ý tưởng, đối với Logo hoặc Slogan: Tác giả/nhóm tác giả được tự do triển khai các ý tưởng, bảo đảm tác phẩm dự thi có tính khái quát và tính hình tượng cao, thể hiện được ý nghĩa, vai trò, nội dung, giá trị sử dụng của Bộ pháp điển.
Tác phẩm dự thi thiết kế Logo phải được thiết kế vẽ tay hoặc trên máy tính một cách đồng nhất, hài hòa tạo thành một chỉnh thể trên cùng trang giấy A4 (trình bày khổ ngang hoặc dọc). Bản thuyết minh ý tưởng được đánh máy, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, nội dung ngắn gọn, súc tích, ngôn ngữ tiếng Việt.
Tác phẩm dự thi Slogan tối thiểu 8 từ, tối đa 20 từ và bản thuyết minh ý tưởng được đánh máy, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, nội dung ngắn gọn, súc tích, ngôn ngữ tiếng Việt.
Đối với App: Tác giả/nhóm tác giả tự do sáng tạo giao diện, tính năng, hình ảnh, bố cục… của bản Mô phỏng ứng dụng điện tử Bộ pháp điển bảo đảm người dùng ứng dụng dễ dàng, thuận tiện, đơn giản, chính xác, nhanh chóng trong việc tra cứu và việc xây dựng Ứng dụng điện tử Bộ pháp điển dựa trên bản mô phỏng có tính khả thi.
Tác phẩm dự thi có thể thể hiện một trong 2 dạng sau: Bản thiết kế vẽ tay hoặc trên máy tính Mô phỏng ứng dụng (có thể kèm theo bản giải thích ngắn gọn); hoặc Bản viết thuyết minh chi tiết mô tả Ứng dụng (không giới hạn độ dài).
Tác giả/nhóm tác giả nộp tác phẩm dự thi qua địa chỉ hộp thư điện tử: [email protected]. Thời gian nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 5/11/2023.
Bộ pháp điển Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển – phapdien.moj.gov.vn và được khai thác, sử dụng miễn phí. Đây là Cổng thông tin điện tử độc lập, đăng tải Bộ pháp điển, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động.
Hiện nay, bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, giới luật sư, doanh nghiệp, giới nghiên cứu khoa học, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan nhà nước bước đầu đã chuyển từ thói quen khai thác, sử dụng văn bản QPPL riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Đến nay, có gần 10 triệu lượt truy cập vào Bộ pháp điển (trung bình mỗi ngày có hơn 4 nghìn lượt truy cập).
Bộ pháp điển mang lại cho người sử dụng một cách tiếp cận theo hướng khác biệt, không theo văn bản riêng lẻ, mà theo lĩnh vực, theo nhóm quan hệ xã hội, theo nhóm vấn đề. Đây là cách tiếp cận lấy người sử dụng làm trung tâm, cách tra cứu quy định pháp luật sẽ đi từ nhu cầu tìm kiếm của người sử dụng. Quá trình xây dựng Bộ pháp điển là quá trình cấu trúc lại hệ thống pháp luật, sắp xếp các quy định trong hệ thống (không giới hạn theo văn bản), hướng đến sự lôgic, khoa học, thuận tiện khi đánh giá từ góc độ tra cứu pháp luật.
Nguồn: Báo lao động thủ đô