Gia Lai: Vỡ thân đập thủy điện Ia Glae 2, thiệt hại nhiều hoa màu của dân
Gia Lai: Vỡ thân đập thủy điện Ia Glae 2, thiệt hại nhiều hoa màu của dân
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh, lượng nước thượng nguồn đổ về bất ngờ làm một đoạn thân đập thủy điện Ia Glae (huyện Chư Prông) bị vỡ, hàng chục hecta hoa màu bị vùi lấp.
Tối 10/10, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Nguyễn Duy Lộc cho biết: Sau sự cố vỡ thân đập, Sở đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Khải Hoàng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) – chủ đầu tư dự án khẩn trương báo cáo bằng văn bản chi tiết về vụ vỡ thân đập tại Dự án thủy điện Ia Glae 2.
Một thông tin khác được ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện Chư Prông xác nhận: Liên tiếp 2 ngày qua trên địa bàn xảy ra mưa lớn nên đã làm vỡ khoảng 10m đập dẫn nước đến tuabin của thủy điện Ia Glae 2.
Thủy điện Ia Glae 2 được xây dựng trên suối Ia Glae, thuộc địa bàn 2 xã Ia Ga và xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Thủy điện này được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2020.
Theo thiết kế, thủy điện Ia Glae có công suất thiết kế 12MW; thuộc công trình thủy điện cấp III; diện tích đất sử dụng là 83,7ha, trong đó diện tích xây dựng công trình là trên 76ha. Vốn đầu tư trên 423 tỉ đồng.
Cùng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tại huyện Chư Prông, mưa lớn cũng đã gây tắc cống qua đường tại vị trí ranh giới xã Ia Tôr-Ia Băng, sạt lở bờ hạ lưu chiều dài 10 m, sâu 3 m; một số cống nước bị cuốn trôi làm sạt lở nhiều điểm trên tuyến giao thông qua xã Ia Me; ngập các ngầm tràn tại xã Ia Boòng, Ia Kly, Ia Piơr, Ia Pia;
Tại huyện Krông Pa sạt lở 400 m3 mái taluy tại trạm bơm xã Ia Rmok. Ngoài ra, tại huyện Đak Đoa có 1 đoạn kênh mương đất ở xã Ia Pết bị vỡ; nước cuốn trôi 1 tấn cà phê tươi, sập 5 m tường rào làm nước chảy tràn vào kho ướt hơn 1,2 tấn hồ tiêu khô của các hộ dân.
Theo dự báo mới nhất của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên: Mực nước trên lưu vực sông Ba và sông Ayun trong 24 giờ tới phổ biến có dao động từ 0,5-1 m theo xu hướng giảm; có khả năng xuất hiện các hiện tượng thủy văn nguy hiểm trong thời hạn dự báo.
Đề phòng nguy cơ lũ trên các sông suối nhỏ và ngập úng cục bộ các vùng trũng thấp; đề phòng sạt lở đất, sụt lún đất ở những vùng đất dốc và sườn đồi; dự báo tình hình mưa lũ có thể ảnh hưởng xấu đến giao thông, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là tác động do lũ quét, sạt lở đất gây ra.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị