Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/10/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/10/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/10/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/10/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Quận Ba Đình (Hà Nội) phát động đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Đợt phát động cao điểm truyền thông về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen, tinh thần chủ động của người dân, về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Nội dung kế hoạch yêu cầu các đơn vị tập trung tuyền truyền về chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, những thông tin cần biết về bệnh sốt xuất huyết, các triệu chứng của bệnh, sự cần thiết điều trị kịp thời để giảm nguy cơ tử vong, những việc làm ngay khi mắc bệnh …, ghi nhận, biểu dương những tâm gương cá nhân và tập thể, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của chính quyền các cấp, được tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức Cồng/Trang thông tin điện tử, Hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội và hệ thống loa truyền thanh của quận, thông qua đó vận động người dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy, duy trì và tạo sự tương tác của quần chúng nhân dân và chính quyền, nâng cao sự chủ động, tích cực của Nhân dân.
Ngày 9/10/2023, UBND quận Ba Đình đã triển khai đợt thi đua cao điểm truyền thông về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Ba Đình năm 2023. Tham dự buổi lễ có ông Vũ Duy Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Dân số, bà Phạm Thị Diễm – Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban BCĐ công tác Dân số và KHH quận Ba Đình, đại diện ban, ngành, đoàn thể; đại diện BGH các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn quận.
Tại buổi lễ, ông Tiêu Ngọc Chiến – Giám đốc Trung tâm Y tế quận đã phổ biến và nhấn mạnh những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, triển khai đợt cao điểm về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; Tuyên truyền Kế hoạch thực hiện đợt dịch cao điểm về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; Hướng dẫn kích hoạt hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy tại cộng đồng, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết bằng phun hóa chất, loại trừ nơi đẻ trứng của muỗi vằn, loại trừ ổ bọ gậy, diệt muỗi vằn truyền bệnh và phòng muỗi đốt; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, đồng thời thông báo cho trạm y tế phường để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, bà Phạm Thị Diễm – Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban BCĐ công tác Dân số và KHH quận Ba Đình chỉ đạo các đơn vị biên soạn bộ tài liệu tuyên truyền, thường xuyên cập nhật các nội dung tuyên truyền theo diễn biến dịch; yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn; tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời. UBND 14 phường thực hiện tuyên truyền thường xuyên bằng nhiều hình thức nhằm thông tin kịp thời rộng rãi tới người dân về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết; vận động người dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy, chủ động phối hợp với lực lượng y tế triển khai phun thuốc diệt muỗi, đồng thời tích cực phát hiện các tấm gương cá nhân tập thể có đóng góp tích cực trong hoạt động phòng chống dịch, phê phán các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch góp phần sớm khống chế hoàn toàn dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Ra mắt Khu dân cư “Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”
Chiều 9/10, huyện Đồng Hỷ tổ chức ra mắt mô hình Khu dân cư “Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn” và tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường tại xóm Na Long, xã Hóa Trung.
Xóm Na Long hiện có 271 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu. Những năm gần đây, bà con trong xóm phát triển kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông – lâm nghiệp, một số ít hộ làm dịch vụ và lao động tại các khu công nghiệp. Xóm hiện còn 1 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân ước đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Xóm có 3 tuyến đường điện chiếu sáng, với tổng chiều dài 950m; tỷ lệ trồng cây xanh, hoa hoặc cây bóng mát hai bên đường đạt trên 40%. Hàng năm, xóm đều đạt danh hiệu Khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự; 95% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; xóm đạt tiêu chuẩn Làng văn hóa nhiều năm liên tục; 40% hộ dân đã lắp đặt camera an ninh…
Thực hiện mô hình Khu dân cư “Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”, đại diện các tổ chức đoàn thể của xóm và bà con nhân dân đã thống nhất nội dung và ký cam kết phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh trật tự; giữ gìn vệ sinh chung đường làng, ngõ xóm; 100% hộ dân đăng ký và thực hiện tốt các nội dung cam kết…
Bắc Ninh: Chuyển biến trong bảo vệ môi trường làng nghề
Thành phố Bắc Ninh đưa nội dung bảo vệ môi trường làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong lộ trình thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từng bước làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các chủ sản xuất về bảo vệ môi trường, tiến tới giải quyết triệt để các vấn đề môi trường cấp bách tại các làng nghề.
Tại phường Phong Khê, trung bình mỗi ngày, đêm, lượng nước thải phát sinh khoảng 20.000 m3. Đặc thù sản xuất giấy Kraft và giấy vàng mã từ nguyên liệu giấy, bìa phế liệu… sử dụng lượng lớn phẩm màu, hóa chất các loại nên nước thải có các thông số ô nhiễm như BOD, COD, TSS, độ màu rất cao, vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp ngành giấy và bột giấy từ 20 đến 30 lần. Nguồn thải này nhiều năm xả trực tiếp vào kênh tiêu dẫn ra sông Ngũ Huyện Khê, chỉ một phần nước thải được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê để xử lý. Đối với rác thải công nghiệp phát sinh chủ yếu là xỉ than, rác lề thủy lực và các tạp chất khác… hầu hết không được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý mà được thu gom đổ tại bãi rác thải của phường, hoặc các khu đất trống, ven sông Ngũ Huyện Khê, hoặc đốt cùng với các nhiên liệu khác trong quá trình vận hành lò hơi. Về khí thải phát sinh từ lò hơi, nhiên liệu phục vụ cho lò hơi chủ yếu là than, củi, mùn cưa, hầu hết các cơ sở này đều chưa lắp đặt hệ thống xử lý khí thải hoặc có hệ thống nhưng không đạt quy chuẩn hiện hành…
Trước thực tế đó, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND phường Phong Khê tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy thực hiện nghiêm các nội dung về bảo vệ môi trường; tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy; niêm yết công khai tại địa phương về lộ trình, thời gian dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư và CCN để các cơ sở có phương án hoạt động, di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Tiếp tục đầu tư và yêu cầu các cơ sở sản xuất phải đấu nối trực tiếp nguồn nước thải vào Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê để xử lý.
Đến nay, Nhà máy vận hành với tổng lưu lượng nước thải từ các cơ sở bơm sang để xử lý là 45.844 m3, trung bình hàng tháng đạt 8.816,15 m3 của 194/207 cơ sở sản xuất đấu nối vào Nhà máy; chất lượng nước thải đầu ra sau xử lý bơm ra sông Ngũ huyện Khê đạt yêu cầu theo quy định giấy phép xả thải, giải quyết cơ bản nguồn nước thải tại Phong Khê. Nhà máy tiếp tục tiếp nhận nước thải từ CCN Phong Khê II, khoảng 60 cơ sở bảo đảm chất lượng nước thải theo quy định trước khi thoát ra ngoài môi trường. Các cơ sở sản xuất tập trung mua hơi thương phẩm, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải; ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải với đơn vị có chức năng; vệ sinh đường ngõ, khu vực sản xuất và đường trong khu dân cư, đường giao thông trong CCN, không còn tình trạng để nguyên vật liệu, rác thải ra vỉa hè, lòng đường.
Hiện nay, 5 Tổ tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả trong kiểm tra, giám sát và thực hiện vệ sinh chung. Ngành chức năng cũng tiếp tục kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải ra môi trường, tạm đình chỉ sản xuất đến khi có đủ các yếu tố bảo vệ môi trường bền vững mới được phép tái sản xuất. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm chủ yếu từ nước thải sản xuất bún có nồng độ hữu cơ cao, nước thải sau khi ngâm gạo được xả ra ngoài môi trường bị phân hủy, lên men bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Tổng số hộ làm bún và chăn nuôi 207 hộ; tổng lượng nước thải sản xuất khoảng 4.500- 5.000 m3/ngày đêm.
Thành phố chỉ đạo phường Khắc Niệm tích cực tuyên truyền, vận động các hộ xây dựng bể Biogas đạt 99,5%, tuy nhiên việc xử lý qua bể biogas chỉ, giảm một phần ô nhiễm. Thực hiện xử lý nước thải thí điểm tại 2 ao trước khu phố Tiền Ngoài bằng chế phẩm sinh học và vớt bèo, hút bùn góp phần làm giảm ô nhiễm nguồn nước ở 2 ao. Xây dựng công trình cải tạo hệ thống xử lý nước thải làng nghề làm bún, công suất 400 m3/ngày, đêm, nhưng hiện nay chất lượng nước chưa đảm bảo theo yêu cầu. Dự thảo Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề phường Khắc Niệm giai đoạn 2022-2025” định hướng xử lý bằng phương pháp sinh học, sử dụng vi sinh IMO và Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030” xây dựng lộ trình chuyển đổi, di dời của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy trong khu dân cư trước ngày 31-12-2024; chuyển đổi, di dời của các cơ sở sản xuất giấy trong 2 CCN Phong Khê I, Phong Khê II trước ngày 31-12-2029 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để TP Bắc Ninh giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường tại 2 làng nghề trên, vừa bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, vừa thúc đẩy sản xuất phát triển.
Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Công văn nêu rõ: Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thăm dò, cấp phép, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả các hoạt động khoáng sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, đảm bảo theo quy định của pháp luật; các ngành, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; khoáng sản được quản lý, sử dụng ngày càng hiệu quả, tiết kiệm, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng khoáng sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế; trong đó, việc ngăn chặn, giám sát, thanh tra và xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 3454/VPCP-CN ngày 21/9/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc tình hình vi phạm nổi lên trong hoạt động khảo sát, quản lý, cấp phép, khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng thông thường và các chỉ đạo có liên quan; để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch, thăm dò khảo sát, đấu thầu, quản lý, cấp phép, khai thác, gia hạn nâng công suất khai thác, vận chuyển và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật khoáng sản số 60/2010/QH12; Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường hường xuyên bổ sung, cập nhật và công khai thông tin về Danh sách các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát,….), thông tin về trữ lượng được cấp phép, công suất khai thác, thời hạn khai thác, lượng khoáng sản đã khai thác, trữ lượng và công suất khai thác mỏ vật liệu phù hợp với tiến độ, thời gian thực hiện dự án và sát với thực tế (đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa chỉ: http://stnmt.thanhhoa.gov.vn) để cung cấp thông tin rộng rãi đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân thuận lợi cho việc tra cứu thông tin;
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh và các đơn vị liên quan, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế, khẩn trương kiểm tra, rà soát các hồ sơ đối với công tác thăm dò, khảo sát, quy hoạch, đấu thầu, quản lý, cấp phép khai thác, gia hạn giấy phép khai thác, nâng công suất khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; làm rõ các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định, chế tài để kiểm soát về giá các vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung các giải pháp để tránh tình trạng các chủ mỏ thao túng, liên kết, cấu kết nhằm nâng giá vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra, kiểm tra đối với các chủ mỏ vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, kiên quyết tham mưu thu hồi giấy phép nếu đủ điều kiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu và cơ chế giám sát quyền lực của người đứng đầu trong từng khâu, từng công việc, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/10/2023;
Tiếp tục tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác cấp phép, quản lý hoạt động khai thác vật liệu xây dựng thông thường; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng khoáng sản và sự phù hợp với quy định pháp luật trong việc xác định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đối với các mỏ có Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực để yêu cầu các chủ mỏ thực hiện theo đúng quy định; hướng dẫn thực hiện thủ tục, trình tự đóng cửa mỏ và bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật đối với các mỏ đã hết hạn giấy phép (đặc biệt là các nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Bắc – Nam đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản theo các Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và số 133/NQ-CP ngày 19/9/2021 của Chính phủ).
Sở Xây dựng Tổ chức công khai các mỏ vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch (đã được cập nhật vào Quy hoạch tỉnh) trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và cung cấp danh sách các mỏ (thể hiện vị trí, tọa độ) được quy hoạch cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố để làm cơ sở rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác các mỏ và cập nhật vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các huyện thời kỳ 2021- 2030, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm.
Tổ chức khảo sát, điều tra thông tin giá vật liệu xây dựng, tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn đối với các loại vật liệu xây dựng phổ biến và chủ yếu có trên địa bàn theo định kỳ hằng tháng, quý; tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát giá, phải xác định rõ tên, địa chỉ, đơn vị khai thác, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và các căn cứ để xác định giá đến hiện trường xây lắp trên địa bàn để kịp thời cập nhật, công bố hàng tháng (hoặc sớm hơn) giá những loại vật liệu có biến động lớn để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được biết, thực hiện;
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đầu cơ, nâng giá, tạo khan hiếm giả vật liệu xây dựng thông thường, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải;
Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật; Thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá xây dựng đảm bảo phù hợp với giá mặt bằng trong khu vực.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc tổ chức, cá nhân trên địa bàn có biến động giá lớn để tránh trường hợp các doanh nghiệp liên kết để nâng giá, ảnh hưởng đến việc xây dựng công trình; phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu vào danh mục để công bố giá kịp thời hàng tháng, hàng quý, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND ngày 11/5/2023 về việc ban hành danh mục háng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện kê khai giá trên địa bàn tỉnh và quy định hiện hành có liên quan.
Sở Giao thông vận tải siết chặt công tác kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là các phương tiện vận tải chủ yếu sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp cơi nới thành thùng; chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển quá khổ, quá tải trọng cho phép.
Cung cấp thông tin kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cần cung cấp cho các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông trong từng năm và từng giai đoạn (theo các kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn) đối với các dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư để có cơ sở xây dựng kế hoạch đấu giá, cấp phép hoặc điều chỉnh công suất khai thác các mỏ đảm bảo kịp thời cung cấp cho các dự án trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các quy định liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời và đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Cục Thuế tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; kiểm tra chặt chẽ hóa đơn bán các loại mặt hàng có nguồn gốc từ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản như: cát, đất, đá; kiểm soát hồ sơ kê khai thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng có biến động về giá lớn; thường xuyên rà soát, đối chiếu giá mua, giá bán trên hóa đơn đầu vào, đầu ra với thông tin về giá niêm yết, công khai của các chủ mỏ để phục vụ công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước; phối hợp với các sở, ban, ngành ngăn chặn kịp thời các hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa tài nguyên, khoáng sản mua không có nguồn gốc hợp pháp
Chủ động phối hợp, cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất cho các cơ quan chức năng như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh về các dấu hiệu, hành vi vi phạm của người nộp thuế trong công tác kê khai các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác, mua bán hàng hóa là tài nguyên khoáng sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản; Chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án giám sát thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoảng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành kèm theo Quyết định số 5040/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (tại mỏ và trên Website do Sở Tài chính quản lý); kịp thời phát hiện và xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, niêm yết giá không đúng quy định, các trường hợp lợi dụng để tích trữ, đầu cơ, nâng giá, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và Nhân dân; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh bố trí lực lượng thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, công tác nghiệp vụ để khoanh vùng, phòng ngừa, đấu tranh với các điểm phức tạp về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường; tập trung, quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, khoáng sản, trọng tâm là: khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; hoạt động vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, các phương tiện bơm hút cát, sỏi không có đăng ký, đăng kiểm; các hoạt động mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ, các hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá giao dịch thực tế trên thị trường nhằm thực hiện hành vi trốn thuế, phí, gây thất thu cho ngân sách nhà nước; lập kế hoạch, phương án đấu tranh đối với vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; thông báo cho chính quyền địa phương biết khi phát hiện và xử lý đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác khảo sát, điều hành giá; Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn niêm yết, công khai giá bán, cam kết bán đúng giá niêm yết và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi bán không đúng giá niêm yết được quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ; tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát giá, phải xác định rõ tên, địa chỉ mỏ khảo sát, báo giá của mỏ và một số hóa đơn giá trị gia tăng xuất bán trong thời gian gần nhất, làm cơ sở để Liên sở Xây dựng – Tài chính công bố giá vật liệu đến hiện trường xây lắp của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh;
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý tài nguyên khoáng sản theo thẩm quyền; chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn; rà soát các mỏ được cấp phép trên địa bàn nhưng chưa thuê đất, cập nhật vào Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 và các năm tiếp theo (trường hợp khu mỏ chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp huyện làm cơ sở để các chủ mỏ sớm hoàn thành việc thuê đất, đưa mỏ vào hoạt động; quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; Tuyên truyền vận động các hộ gia đình, cá nhân có đất thuộc dự án hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện các dự án khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, để các hộ gia đình, cá nhân chấp thuận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản;
Chỉ đạo Ban quản lý dự đầu tư xây dựng của huyện cung cấp thông tin về nhu cầu vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cần cung cấp cho các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi trong từng năm và từng giai đoạn (theo các kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn) đối với các dự án do Ban làm chủ đầu tư, các chủ đầu tư khác trên địa bàn huyện quản lý; Gửi về UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường để có cơ sở xây dựng kế hoạch đấu giá, cấp phép hoặc điều chỉnh công suất khai thác các mỏ vật liệu đảm bảo kịp thời cung cấp cho các dự án trên địa bàn; Kiên quyết xử lý và công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, qua đó nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm về khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm kê khai và nộp thuế đúng, đủ theo sản lượng được phép khai thác, hàng tháng kê khai giá bán tại mỏ gửi về Sở Xây dựng, Sở Tài chính theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm việc kê khai giá bán không đúng thực tế và vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản; Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản thông báo các nội dung chỉ đạo nêu trên đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên này; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các vi phạm thuộc trách nhiệm được giao thực hiện, quản lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để được giải quyết.
Thừa Thiên Huế: Đầu tư hơn 47 tỷ đồng xây dựng khu xử lý phân bùn
Dự án do Nghiệp đoàn xử lý nước thải liên tỉnh khu vực Paris (SIAAP), Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng và Lãnh đạo các Thủ đô có sử dụng một phần hay toàn phần tiếng Pháp (AIMF) và Công ty nước Seine Normandie tài trợ trị giá47,168 tỷ đồng.
Dự án nhằm mục tiêu thiết kế và xây dựng khu xử lý bùn thải với kỹ thuật phù hợp với bối cảnh và triển khai dịch vụ khai thác lâu dài; thiết kế khung cơ cấu tổ chức của ngành quản lý và xử lý bùn thải; hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật và công nghệ của TP.Huế và thị xã Hương Trà trong công tác xử lý bùn thải.
Cụ thể, dự án sẽ xây dựng khu xử lý với diện tích 5.950 m2, gồm 56 luống với diện tích 106,25m2/luống; tập kết bùn thải mỗi ngày 2 luống và nghỉ trong 27 ngày và xây dựng các ô để ngăn các luống. Cùng với đó, xây dựng các khu kỹ thuật, khu vực tập kết, cổng, hàng rào và ua sắm các trang thiết bị vận hành khai thác (xe, máy nghiền, máy đóng gói, thiết bị văn phòng…).
Dự án được thực hiện trong thời gian từ nay đến năm 2026, do UBND TP.Huế thực hiện.
Ủy hội sông Mekong khuyến nghị chia sẻ dữ liệu về dòng sông này
Khuyến nghị trên được Uỷ hội sông Mekong đưa ra trong bối cảnh mực nước ở sông này đã giảm xuống mức kỷ lục do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của con người.
Theo nghiên cứu chung giữa ủy hội và Trung tâm Nghiên cứu Nước thuộc Hợp tác Mekong-Lan Thương, mực nước sông Mekong trong giai đoạn 2019 – 2021 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 6 thập kỷ qua. Điều này đang ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp, thủy sản và sinh kế của hơn 60 triệu người ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Theo số liệu của nghiên cứu, hiện có 13 đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính của sông Mekong.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Nước, sự sụt giảm nói trên là do các yếu tố tự nhiên như hình thái mưa, tỷ lệ mất nước do bốc hơi và các đặc điểm khác liên quan đến địa thế địa hình. Ngoài ra, trung tâm này còn viện dẫn các hoạt động của con người như phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý nước cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở hạ lưu sông Mekong.
Do đó, nghiên cứu chung khuyến nghị các nước Đông Nam Á nói trên và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực về mức trữ nước và dữ liệu vận hành thủy điện trên khắp lưu vực sông Mekong.
Điều có thể giúp các cộng đồng dưới hạ nguồn chuẩn bị và thích ứng kịp thời trước những thay đổi đột ngột về lượng trữ nước. Qua đó, các nước có thể sẽ cải thiện được công tác quản lý con sông dài nhất khu vực Đông Nam Á với tổng chiều dài gần 4.900 km.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị