Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đạt kích thước kỷ lục
Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đạt kích thước kỷ lục
Dữ liệu vệ tinh tiết lộ rằng, lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực năm nay đã lớn gấp đôi kích thước lớn nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) công bố lỗ thủng tầng ozone phía trên Nam Cực đã đạt kích thước kỷ lục. Nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng có khả năng nó liên quan đến vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga.
Các phép đo mới nhất từ vệ tinh Sentinel-5P của Cơ quan Theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus, chỉ ra rằng lỗ thủng tầng ozone hiện tại đang đạt kích thước kỷ lục.
Nó có diện tích 26 triệu km2 vào ngày 16/9, tương đương gấp ba lần diện tích Brazil. Lỗ thủng này đã từng được “chữa lành” kể từ khi việc sử dụng một số chất hóa học bị cấm, nhưng nó vẫn dao động trong suốt cả năm.
Theo các nhà khoa học, hằng năm từ tháng 8 đến tháng 10, lỗ thủng này mở rộng theo mùa là điều bình thường, nó thường đạt cực đại vào giữa tháng 9. Tuy nhiên, trong năm nay lỗ thủng tầng ozone đã mở ra sớm hơn và phát triển rất nhanh sau vài tuần.
Quá trình dao động này bị ảnh hưởng phần lớn bởi sự hiện diện của gió và bản thân những cơn gió bị tác động bởi các thông số khác, chẳng hạn như chuyển động quay của Trái Đất và nhiệt độ.
Copernicus tuyên bố rằng sẽ mất thời gian để hiểu lý do chính xác của sự phát triển quan sát được vào tháng 9, nhưng rất có thể vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga đóng một vai trò nào đó.
Vào tháng 1/2022, vụ phun trào của núi lửa đã phun một lượng lớn hơi nước vào khí quyển. Hơi nước này di chuyển trong khí quyển và đến Nam Cực từ cuối năm 2022.
Các nhà khoa học hy vọng rằng lỗ hổng sẽ bước vào giai đoạn thu hẹp vào đầu năm tới, ảnh hưởng hiện tại từ vụ việc này khiến băng Nam Cực tan chảy với tốc độ nhanh hơn do bức xạ tia cực tím cường độ mạnh chiếu xuống Trái Đất.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị