Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển chip bán dẫn
Vừa qua, Bộ KH&CN tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2023, thông tin nhiều vấn đề liên quan phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo được đề cập.
Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so năm 2022, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á; duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Trong đó, công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu và Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu bằng nỗ lực cả từ phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Trả lời tại họp báo, liên quan đến cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn ở Việt Nam, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ Trưởng khoa học và công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới. Việc các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ ban hành chiến lược hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này. Mỗi loại chip đều đòi hỏi công nghệ rất cao, do đó cần một lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Trong quy trình sản xuất chip có 3 khâu: thiết kế, chế tạo và đóng gói, Việt Nam trước mắt tập trung ưu tiên ở khâu thiết kế.
Trước những cơ hội và thách thức trên, Bộ KH&CN xác định việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng, đồng thời phối hợp với các bộ ngành khác bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Theo đó, Vụ trưởng khoa học và công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật đã đưa 4 đề xuất trong kế hoạch sắp tới. Đầu tiên, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến bán dẫn.
Thứ hai là thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, khuyến khích hợp tác nhà khoa học, nghiên cứu từ nước ngoài trong lĩnh vực chip bán dẫn. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh trong chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về KH&CN. Từ đó, sẽ tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.
ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ Trưởng khoa học và công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới. |
Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Từ năm 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục là một trong các sản phẩm quốc gia, tuy nhiên ở nước ta chưa triển khai được một cách triệt để.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Hùng, tới đây, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Các doanh nghiệp có thế mạnh như Viettel, FPT, CMC…và các viện, trường có thể phối hợp chặt chẽ hơn để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Qua đó, tạo ra hệ sinh thái giữa các viện, trường, doanh nghiệp sản xuất, từ khâu thiết kế, đến chế tạo sản phẩm.
“Chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài chung tay. Thông qua các chương trình phải đẩy mạnh là chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương đối với các nước có thế mạnh khoa học công nghệ lĩnh vực chip bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ”, ông Nguyễn Phú Hùng cho hay.
Cuối cùng, để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn phải xây dựng các chính sách đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị đo lường kiểm định các sản phẩm của chip bán dẫn theo đúng chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm. Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Chip bán dẫn là thành phần cốt lõi cực kỳ thiết yếu trong không chỉ xe ô tô mà còn máy bay, điện thoại, CPU máy tính, tivi, tủ lạnh và gần như tất cả các thiết bị điện tử khác mà bạn có thể nghĩ ra. Mọi cường quốc đều muốn làm chủ công nghệ này. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô