Hội nghị TW 8 có ý nghĩa chiến lược lâu dài với sự phát triển đất nước
Nhiều ý kiến của các cán bộ, đảng viên khẳng định Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Sau gần 7 ngày làm việc nghiêm túc và hiệu quả, chiều 8/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc.
Nhiều ý kiến của các cán bộ, đảng viên khẳng định Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời đưa ra phân tích, dự báo một cách khoa học về bối cảnh tình hình mới, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thời kỳ mới.
Quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Phó Giáo sư-Tiến sỹ-Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho rằng đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra không lâu sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ. Đó không chỉ là sự tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII mà còn là sự chuẩn bị quan trọng đối với Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tại Hội nghị, Trung ương bàn và kết luận nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài những nội dung về kinh tế-xã hội; tài chính-ngân sách; lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới…
Trung ương cho ý kiến kết luận những vấn đề có ý nghĩa lâu dài như chính sách xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đội ngũ trí thức; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đặc biệt là việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ-Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sáu, đây không chỉ là Hội nghị thường kỳ theo Chương trình toàn khóa, mà những nội dung thông qua tại Hội nghị có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của đất nước.
Trên thực tế, Hội nghị đã thể hiện tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, có chất lượng cao của Ban Chấp hành Trung ương. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân luôn theo dõi sát sao Hội nghị, hưởng ứng với những quyết sách quan trọng của Trung ương cũng như những vấn đề có tính then chốt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới nhằm hướng tới thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phấn đấu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Phó Bí thư Đảng ủy phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, ông Đặng Văn Sơn cho rằng tình hình trong nước và thế giới đang có rất nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra cho chúng ta yêu cầu cần xác định rõ những khó khăn, thuận lợi, thách thức đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo quốc phòng-an ninh và công tác an sinh xã hội.
Những kết quả mà nước ta đạt được từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay là do sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, tầm nhìn chiến lược và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; là tiền đề cho chúng ta triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa đến cuối nhiệm kỳ XIII.
Theo ông Đặng Văn Sơn, Hội nghị lần này, Trung ương xem xét, nghiên cứu, bàn và cho ý kiến rất quan trọng về nhiều nội dung mà cán bộ, Đảng viên đặc biệt quan tâm đó là lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới, công tác đào tạo xây dựng đội ngũ trí thức, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả các chính sách xã hội, đặc biệt là chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phó Bí thư Đảng ủy phường Xuân Tảo cho rằng Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương xác định rất rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo để đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thể hiện sâu sắc nhất “ý Đảng, lòng dân”
Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ là việc xác định trí thức phải là lực lượng có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nhiều ý kiến cho rằng xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, lộ trình và bước đi phù hợp, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các hội nghề nghiệp của trí thức và toàn xã hội là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng Hội nghị Trung ương 8 lần này cũng như hội nghị Trung ương những lần trước thực sự là hội nghị mang tầm vóc, ý nghĩa to lớn, nổi bật, thể hiện rõ nhất, sâu sắc nhất “ý Đảng, lòng dân,” vì những quyết sách của Hội nghị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Đồng thời “vạch đường, chỉ lối” cho toàn Đảng, toàn dân tiếp tục kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn. Vì thế, nhân dân trông chờ và tin tưởng kết quả của Hội nghị sẽ tạo đà và điều kiện thuận lợi nhất cho việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội trong thời gian tới, làm tốt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Nhiều ý kiến của các cán bộ, đảng viên cho rằng các Ủy viên Trung ương Đảng và đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng vào các đề án, báo cáo.
Bộ Chính trị tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao thông qua các nghị quyết của Hội nghị…/.
Nguồn: Báo xây dựng