Việt Nam đón cực đại mưa sao băng Draconids vào đêm nay
Việt Nam đón cực đại mưa sao băng Draconids vào đêm nay
Theo định vị bằng công cụ của Time and Date, tại Việt Nam thời điểm cực đại của mưa sao băng từ “rồng trời” sẽ rơi vào đêm 9/10, rạng sáng 10/10.
Đối với người yêu bầu trời, tháng 10 là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất năm, bởi nhiều hiện tượng kỳ thú diễn ra trong khoảng thời gian này. Và mở đầu cho chuỗi sự kiện thiên văn đáng nhớ trong tháng 10, chính là mưa sao băng Draconids.
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), tại Việt Nam tối nay nếu ở khu vực thời tiết đẹp và ít ô nhiễm, người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát được mưa sao băng Draconids. Bắt đầu từ khoảng 18 giờ 30 phút tối 9/10, người Việt có thể quan sát trận mưa sao băng này ở bất cứ đâu, miễn là nơi quan sát không có mây và góc nhìn về phía Bắc không bị cản trở.
Đây là trận mưa sao băng nhỏ với mật độ cực điểm tối đa chỉ đạt 10 sao băng mỗi giờ ngay cả khi thời tiết lý tưởng. Khu vực trung tâm của nó là chòm sao Draco. Đây là chòm sao khá dễ để nhận ra.
Draconids là một trận mưa sao băng nhỏ kéo dài chỉ tạo ra khoảng 10 sao băng mỗi giờ. Nó được tạo ra bởi những hạt bụi sao chổi 21P Giacobini-Zinner để lại, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1900. Tuy nhiên, Draconids lại là 1 trận mưa sao băng khá đặc biệt vì thời điểm đẹp nhất để quan sát hiện tượng tuyệt đẹp này là vào chập tối thay vì rạng sáng như phần lớn những trận mưa sao băng khác.
Draconids là một trận mưa sao băng bất thường, vì vào thời điểm đẹp nhất để xem nó là vào chập tối thay vì rạng sáng như phần lớn những trận mưa sao băng khác. Trận mưa sao băng diễn ra từ ngày 6 – 10/10 hàng năm và năm nay sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 9/10, rạng sáng 10/10, với vị trí quan sát tốt là các quốc gia thuộc Bắc bán cầu.
Năm nay, trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ làm lu mờ tất cả, trừ những sao băng sáng nhất. Nếu bạn kiên nhẫn, bạn vẫn có thể bắt gặp một vài cảnh đẹp. Thời điểm quan sát tốt nhất sẽ là chập tối từ một địa điểm tối cách xa ánh đèn thành phố. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Draco, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Bạn không cần bất cứ dụng cụ gì để quan sát hiện tượng này, đơn giản là nhìn bằng mắt thường. Hãy chọn nơi quan sát nào có góc nhìn đủ rộng và không để ánh sáng mạnh như đèn đường, đền trên các nhà cao tầng chiếu thẳng vào mắt.
Ngoài ra cũng trong tháng 10, nhiều hiện tượng thiên văn thú vị và hiếm gặp khác cũng sẽ diễn ra như Nhật thực hình khuyên, Mưa sao băng Orionids, Nguyệt thực một phần,…
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị