Số nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ quét tại Ấn Độ tăng gần gấp đôi

Số nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ quét tại Ấn Độ tăng gần gấp đôi

Ấn Độ cho biết, đã có ít nhất 77 người thiệt mạng trong thảm họa lũ lụt xảy ra ở vùng Đông Bắc nước này hồi tuần trước, tức tăng gần 2 lần so với báo cáo trước đó.

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 8/10, giới chức Ấn Độ cho biết, đợt lũ vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng tại bang Sikkim, phá hủy hơn 1.200 nhà dân. Lũ lụt cũng đã phá hủy nhiều cầu đường, khiến hàng nghìn người vẫn đang bị cô lập giữa dòng nước lũ.

Lực lượng cứu hộ đã giải cứu hơn 2.500 người mắc kẹt trong vùng lũ. Hoạt động sơ tán người dân bị nạn gặp nhiều khó khăn do hệ thống cầu đường bị nước lũ tàn phá, hệ thống giao thông liên lạc mất tín hiệu.

Có 3.000 người mắc kẹt tại một số trung tâm lánh nạn ở phía Bắc của bang do máy bay sơ tán không thể cất cánh theo đúng kế hoạch do thời tiết xấu. Con số thương vong do mưa lũ ở Ấn Độ vẫn chưa dừng lại do hiện vẫn còn hơn 100 người mất tích.

Hôm 4/10, mưa lớn tại khu vực hồ Lhonak ở bang miền núi Sikkim đã khiến mực nước đập Chungthang ở thượng nguồn dâng cao, buộc cơ quan quản lý phải xả nước xuống hạ nguồn, gây lũ lụt và lũ quét ở khu vực hạ nguồn sông Teesta, gần biên giới của Ấn Độ với Nepal và Trung Quốc.

tm-img-alt
Đường phố ngập lụt nặng nề sau khi trận lũ quét qua. (Ảnh: India Today NE)

Đây là đợt thiên tai mới nhất gây thiệt hại về người và tài sản tại vùng núi Nam Á.

Lũ quét thường xảy ra trong mùa mưa, vốn kéo dài từ tháng 6 đến cuối tháng 9 tại Ấn Độ. Thông thường đến tháng 10 không còn những cơn mưa lớn tại Ấn Độ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và hậu quả nghiêm trọng của các trận mưa trong mùa mưa ở nước này.

Các nhà khoa học cảnh báo, thảm họa tương tự sẽ còn xảy ra với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng tại khu vực dãy Himalaya. Nguyên nhân là do nhiệt độ toàn cầu tăng đẩy nhanh tốc độ băng tan, khiến mực nước sông dâng cao và hình thành các hồ nước lớn dẫn tới nguy cơ lũ quét khi xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cùng với mưa lớn gây lũ lụt, các sông băng tan chảy cũng tạo ra một lượng nước lớn, trong khi việc xây dựng không theo quy hoạch tại các khu vực dễ xảy ra lũ làm gia tăng mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các sông băng trên dãy Himalaya đang tan chảy nhanh hơn bao giờ hết do Trái đất ấm lên, khiến các cộng đồng cư dân đối mặt với những thảm họa khó lường.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích