Cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với tình hình thực tiễn
Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT), được sự uỷ quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã tổ chức Hội thảo khoa học để trao đổi, thảo luận, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật vào sáng 09/10/2023 tại TP.HCM. Hội thảo nhận được sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp,…
Theo ông Nguyễn Tùng – Chuyên viên Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL, trải qua hơn 15 năm thực hiện Luật TC&QCKT, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được về nâng cao chất lượng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam ra thế giới, trong bối cảnh kinh tế – chính trị thế giới có nhiều thay đổi khó lường, tác động từ Cách mạng Công nghiệp 4.0, kinh tế số cho thấy Luật TC&QCKT đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định liên quan đến các vấn đề cốt lõi như chiến lược quốc gia trong phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hạ tầng chất lượng quốc gia, hợp tác quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều FTA thế hệ mới, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn.
Dựa theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước, ông Nguyễn Tùng nhấn mạnh vào hai nội dung cốt lõi. Đầu tiên, “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”. Thứ hai là “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”.
“Đây là hai trong số những mục tiêu, định hướng mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn hướng tới. Các nội dung được xem xét sửa đổi, bổ sung không chỉ khắc phục tồn tại, bất cập trong Luật TC&QCKT hiện hành mà quan trọng hơn, sẽ thể hiện được tầm nhìn, chiến lược của Việt Nam trong sân chơi quốc tế, khu vực” – ông Nguyễn Tùng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL cho biết, Luật TC&QCKT (sửa đổi) được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau. Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Thứ ba, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp.
Thứ tư, nội luật hóa quy định tại các cam kết quốc tế trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Đại diện đơn vị chủ trì trả lời những thắc mắc của các đại biểu, lãnh đạo, địa phương tham dự hội thảo.
Theo kết quả rà soát và quá trình tổng kết thi hành Luật TC&QCKT thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi các nội dung sau đây trong dự thảo Luật TC&QCKT để thống nhất, đồng bộ với các Luật có liên quan.
Thứ nhất, sửa đổi nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành QCVN cho đối tượng bí mật nhà nước để đồng bộ với Luật Dự trữ quốc gia.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp đảm bảo đồng bộ với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Thứ ba, sửa đổi quy định về hoạt động xuất bản, phát hành để đồng bộ với Luật Khoa học và Công nghệ.
Riêng đối với các Luật đã có trong Chương trình sửa đổi, bổ sung giai đoạn 2022-2024 cần rà soát để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đối với các Luật chưa có trong Chương trình sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn 2022-2024 thì đề nghị sửa đổi trong các giai đoạn tiếp theo 2025-2026. Trong đó, Luật An toàn thực phẩm cần sửa đổi nội dung liên quan đến công bố sản phẩm tại các văn bản hướng dẫn luật. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy cần sửa đổi nội dung liên quan đến nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN).
Tại hội thảo, lãnh đạo và các đại biểu đã có phần thảo luận sôi nổi. Các đại diện doanh nghiệp đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT, có nhiều điểm mới phù hợp tình hình thực tế. Các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến góp ý, bổ sung nhằm hoàn thiện dự thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo diễn ra ngày 9/10 tại TP.HCM.
Kim Thoa