Để tên gọi Phố cổ Đồng Văn được đúng nghĩa?

(Xây dựng) – Với tất cả giá trị văn hóa, con người và cả những công trình kiến trúc, Phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) hôm nay đang cố gắng lưu giữ một nền văn hóa đa dạng, phong phú, trở thành điểm đến yêu thích trên chặng hành trình chinh phục điểm cực Bắc của nhiều người Việt Nam. Khu phố cổ dường như cũng là một điểm nhấn nổi bật, là điểm vui chơi “sầm uất” giữa một vùng núi cao đá vôi đầy tĩnh lặng.

Để tên gọi Phố cổ Đồng Văn được đúng nghĩa?
Phố – Chợ cổ Đồng Văn.

Đêm đêm nằm mơ phố…

Chập chờn, giữa thành phố, tôi có những giấc mơ về nơi kia xa lắm. Nơi có những ngọn núi hùng vĩ, mái nhà bình yên với những người dân tộc thiếu số chăm chỉ và chất phác. Nơi có những căn nhà cổ của người Mông, tường bằng đất màu vàng hoặc đá và đều được bao bọc bởi những bức tường rào đá vô cùng độc đáo.

Nhớ lại một ngày tháng 1/2021, sau một ngày cưỡi xe máy trên Quốc lộ 4C, trong tiết trời mưa gió bao phủ lấy những nẻo đường quanh co miền cao nguyên đá, chập tối tôi đến Phố cổ Đồng Văn, Hà Giang. Dừng chân, vào quán, tôi gọi một ly chè tam thất uống cho đỡ lạnh, nghe nhạc và lạc vào thế giới cổ của vùng cao nguyên Đông Bắc Việt Nam.

Phố cổ Đồng Văn, Hà Giang nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mặt biển. Du khách đến nơi đây có cảm giác như lạc lối trong một không gian núi rừng hoang sơ, tĩnh lặng của vùng núi đá cao nguyên. Ở đó, Phố cổ và Chợ cổ Đồng Văn là một điểm sáng được nhiều người muốn đến và khám phá.

Với tất cả giá trị văn hóa, con người và cả những công trình kiến trúc, Phố cổ Đồng Văn hôm nay đang cố gắng lưu giữ một nền văn hóa đa dạng, phong phú, trở thành điểm đến yêu thích trên chặng hành trình chinh phục điểm cực Bắc của nhiều người Việt Nam. Khu phố cổ dường như cũng là một điểm nhấn nổi bật, là điểm vui chơi “sầm uất” giữa một vùng núi cao đá vôi đầy tĩnh lặng.

Các dịch vụ du lịch và thương mại phát triển sẽ đem lại lợi ích vật chất cho những vùng kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên nó cũng có những hệ lụy. Đặc biệt là khi người dân nơi đây chưa được chuẩn bị để làm “công dân vùng du lịch”. Tình trạng các thanh thiếu niên níu kéo, chào mời và đòi tiền trực tiếp từ du khách cho việc chụp ảnh gây không mấy thiện cảm. Địa phương chưa thấy được hết các chiều cạnh của sự hưởng lợi từ du lịch. Một bộ phận khách du lịch thì cũng chưa quen chi tiền “boa” tại các điểm tham quan.

… và để tên gọi Phố cổ Đồng Văn được đúng nghĩa?

Để tên gọi Phố cổ Đồng Văn được đúng nghĩa?

Để thu hút được khách và thúc đẩy du lịch phát triển, huyện Đồng Văn và Phố cổ Đồng Văn cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có một “lộ trình”, kế hoạch phát triển rõ nét. Trong đó, đặc biệt cần chú ý đến phát triển du lịch gắn liền với việc bảo tồn những giá trị xưa cũ của văn hóa, kiến trúc các dân tộc nơi đây, thậm chí kể cả những gì còn sót lại từ thời Pháp thuộc. Bởi rất hiếm và vô cùng ý nghĩa khi Hà Giang có một tên gọi Phố cổ Đồng Văn đã trở nên quen thuộc. Nếu Hà Nội có Phố cổ Hà Nội, Quảng Nam có Phố cổ Hội An… Thì tại sao Hà Giang lại không có một Phố cổ Đồng Văn đúng nghĩa của vùng cao nguyên đá giàu bản sắc nơi điểm cực Bắc của Việt Nam này. Đó chính là hồn cốt nơi đây mà không phải nơi nào cũng dễ có. Bởi lẽ đó, Phố cổ Đồng văn phát triển, làm mới thì không khó nhưng để giữ gìn, phát triển và bồi đắp thêm nét bản sắc đặc trưng của nó mới là điều khó, là điều cần phải hướng tới.

Phố cổ Đồng Văn có thể hiểu bao gồm một trục phố không lớn có nguồn gốc kinh doanh buôn bán lâu đời và gắn chặt với khu chợ cổ Đồng Văn (gồm các dãy hàng quán hình chữ U ôm lấy đoạn đầu của Phố cổ, nơi tiếp giáp với trục giao thông chính của huyện lỵ Đồng Văn). Đây là khu vực tâm điểm kinh doanh thương mại và mang đậm bản sắc văn hóa, kiến trúc của Huyện Đồng Văn.

Hiện Phố cổ – Chợ cổ Đồng Văn thay đổi, phát triển quá nhanh. Nhiều phụ nữ dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống. Từ bộ quần áo hay những sản vật bày bán tại chợ chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Trong khi đó, với bản chất, lịch sử của Chợ cổ Đồng Văn, nơi đây không chỉ là nơi giao thương, buôn bán hàng hóa mà còn là nơi để vui chơi, kết bạn của những chàng trai, thiếu nữ vùng cao.

Để tên gọi Phố cổ Đồng Văn được đúng nghĩa?

Không gian và kiến trúc Chợ cổ Đồng Văn đã bị chuyển hóa thành nơi ăn uống giải khát.

Vì điều này, việc đầu tư lại Chợ cổ Đồng Văn sẽ là mô hình tốt và cần thiết (nếu không can thiệp, làm mất đi những giá trị kiến trúc đặc trưng, bản sắc vốn có của kiến trúc chợ xưa). Nơi đây cần tạo ra điểm nhấn ấn tượng để thu hút du khách, là thế giới ẩm thực, nơi hội tụ các sản vật của vùng cao nguyên đá. Qua đó, du khách được thưởng thức các món ăn ngon của vùng, được tham quan, mua sắm những sản vật phong phú của địa phương trưng bày tại chợ.

Với Phố cổ Đồng Văn, theo tôi, mục tiêu tôn vinh các giá trị văn hóa, sản vật độc đáo của Cao nguyên đá Đồng Văn cần được đầu tư, làm rõ nét để tạo nên sức hút và tính đặc sắc vùng miền. Có thể thấy, việc gắn phát triển thương mại, dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp, hộ dân tại Phố cổ – Chợ cổ thị trấn Đồng Văn hiện nay đã làm gia tăng giá trị của các kiến trúc đối với phát triển kinh tế, cung cấp các dịch vụ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Mô hình nhà hàng, gian trưng bày sản phẩm, hàng lưu niệm của các hộ dân phố cổ cần được khuyến khích, bởi đây chính là những hạt nhân cung cấp các dịch vụ hữu ích cho phát triển kinh tế du lịch ở thị trấn Đồng Văn.

Để tên gọi Phố cổ Đồng Văn được đúng nghĩa?

Thế nhưng, sự xô bồ, ồn ào mang dáng dấp phố thị đã và đang hiện hữu ở đây, làm mất đi nét chân chất, sự hồn hậu của đất và người Phố cổ Đồng Văn… đây chắc chắn là điều khách du lịch không muốn thấy.

Chợ cổ Đồng Văn hiện nay có khoảng 40 nhà xếp sát nhau dưới các vách núi đá. Tuy không lớn, nhưng đến với Phố cổ Đồng Văn cũng đủ để chúng ta thấy thế giới chậm lại, yên bình bởi cuộc sống sinh hoạt thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian, những kiến trúc độc đáo…

Để tiếp tục thu hút khách và phát triển, theo tôi Chợ cổ Đồng Văn cần khôi phục những gian hàng truyền thống, bán đồ lưu niệm do chính đồng bào dân tộc thiểu số làm ra, chứ không phải đồ ngoại nhập… Nên duy trì việc tổ chức chợ phiên hàng tuần, với các trò chơi ném pao, trình diễn dệt thổ cẩm truyền thống, tổ chức chơi và nghe tiếng khèn của người Mông, bán các sản vật địa phương… Vì, như người ta nói: “Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Áo có thể chưa đủ ấm, tiền có thể chưa có nhiều nhưng bà con lại không thể vắng mặt trong mỗi phiên chợ”.

…Đêm không khí lạnh đang tràn về. Tự nhiên tôi thấy toàn thân ngấm mỏi, ngấm lạnh, ngấm thoảng mùi thơm của vùng hoa tam thất, ngấm lời bài hát và ngấm cả ánh đèn phố thị mà sao cảm thấy có phần heo hắt quá… Và rồi, bước chân đưa tôi quay về ngôi nhà của người bạn thân, ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương, một lối kiến trúc cổ và độc đáo có thể gọi là huyền thoại của người Mông nơi này…

Nơi này… có rất nhiều nơi để tham quan, chiêm ngưỡng và thưởng thức… Hy vọng các lễ hội văn hóa, những phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số vùng cao sẽ tiếp tục được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo, phát triển cùng với sự phát triển của xã hội, tránh bị thương mại hóa quá mức để Phố cổ Đồng Văn nói riêng và huyện Đồng Văn nói chung trở thành một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống của các dân tộc anh em vùng Cao nguyên đá cực Bắc Việt Nam…

Kiril Grudin
Chuyên gia Tư vấn về dịch vụ du lịch và khách sạn

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích