Thừa Thiên – Huế: Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh năm 2023
(Xây dựng) – Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Kế hoạch 321/KH-UBND về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh năm 2023, nhằm mục đích phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền…
Triển khai các hạ tầng số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. |
Kế hoạch nhằm phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của nhân dân. Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Hạ tầng số được phát triển nhanh, phát triển trước phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Mục tiêu phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế năm 2023, đối với hạ tầng viễn thông băng rộng, phấn đấu đạt tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng di động đạt 100%. Tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%. Tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS giữa các doanh nghiệp đạt 15%. Tỷ lệ dùng chung cột treo cáp đạt 90%.
Tỷ lệ dùng chung cống bể cáp đạt 45%. Tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%. Đối với sử dụng dịch vụ viễn thông, phấn đấu đạt tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80%. Tỷ lệ người sử dụng internet đạt 90%. Tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 85%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%. Tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet (bao gồm băng rộng cố định và băng rộng di động) đạt 90%…
Đối với hạ tầng điện toán đám mây, thí điểm triển khai điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số. Đối với hạ tầng công nghệ số, phấn đấu các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) bước đầu thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội. Hệ sinh thái hạ tầng công nghệ IoT được hình thành. AI, IoT hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên – Huế, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị…
Nền tảng số, phải có 100% cơ quan cấp Sở, ngành, UBND cấp huyện sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Nhiệm vụ, đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng băng rộng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s, Tb/s). Phát triển thuê bao băng rộng cố định FTTH tới hộ gia đình; đảm bảo cung cấp dịch vụ truy nhập internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập tới các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học…
Phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (4G/5G) trên phạm vi toàn tỉnh. Thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G) và chương trình thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh cho người dân. Phát triển hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT) đáp ứng được yêu cầu của của các lĩnh vực giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị…
Chuyển đổi mạng lưới, hệ thống thông tin sang sử dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6). Mở rộng vùng cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa các phương thức cáp quang, di động, vệ tinh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến (thụ động/tích cực tích hợp với các hạ tầng liên ngành có tính thiết yếu như điện, nước). Triển khai roaming trong nước trên các hạ tầng di động (4G/5G). Triển khai các hoạt động thúc đẩy phổ cập điện thoại di động thông minh, hỗ trợ người dân tiếp cận nhanh với quá trình chuyển đổi số, khai thác hiệu quả các dịch vụ số.
Chuyển đổi từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ số, phát triển các nền tảng cung cấp hạ tầng như dịch vụ. Phát triển Chính phủ số, triển khai các hạ tầng số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Đầu tư, xây dựng, phát triển các nền tảng số cung cấp hạ tầng như dịch vụ, phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số.
Nguồn: Báo xây dựng