Yên Bái: Tưng bừng Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023

(Xây dựng) – Ngày 30/9, tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023. Đây là một trong những sự kiện được tổ chức thường niên, đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng, mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Nghĩa Lộ.

Yên Bái: Tưng bừng Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc.

Đến dự Lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; các địa phương, nhân dân và du khách gần xa.

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: Từ nhiều năm nay, Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò được tổ chức thường niên tại thị xã Nghĩa Lộ; được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước yêu mến, đón đợi… Đến với Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm nay, nhân dân và du khách sẽ được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của Ngày hội Văn hóa các dân tộc Yên Bái; được trải nghiệm trò chơi dân gian; được bay trên dù lượn, thả hồn trong hương sắc mùa thu ngắm thung lũng Mường Lò cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc trong khuôn khổ lễ hội; được hòa mình trong vòng xòe bất tận để cảm nhận những giá trị nhân văn sâu sắc, sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của Nghệ thuật Xòe Thái, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh”.

Một điểm khác biệt với lễ hội của các năm trước, tại lễ hội này, nhân dân và du khách sẽ được tham quan không gian quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử, di sản văn hóa của Thành phố Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến – như một món quà đặc biệt ý nghĩa, gửi tặng nhân dân các dân tộc trong tỉnh và du khách thập phương trong những ngày trải nghiệm trên mảnh đất Mường Lò, tạo cầu nối văn hóa, để thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã trân trọng, ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã Nghĩa Lộ trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái; cảm ơn các nghệ nhân, các diễn viên quần chúng và các em học sinh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ – với niềm tự hào dân tộc và tình yêu di sản, đã tích cực góp phần lan tỏa giá trị di sản và đóng góp quan trọng vào thành công của các lần tổ chức Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò; cảm ơn toàn thể nhân dân và du khách đã hội tụ về đây, cùng tận hưởng và lan tỏa giá trị tốt đẹp bản sắc văn hóa đất và người Yên Bái.

Đây sẽ là động lực tinh thần, là nguồn lực quan trọng để Yên Bái tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu xây dựng Nghĩa Lộ là thị xã văn hóa, du lịch, trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng phía Tây tỉnh Yên Bái và trở thành đô thị văn hóa di sản trong tương lai như Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9 vừa qua.

Yên Bái: Tưng bừng Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023
Yên Bái: Tưng bừng Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023
Hội thi ẩm thực các phường, xã.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Yên Bái cần tiếp tục quan tâm, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội, bám sát quan điểm “nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới, sức mạnh bắt đầu từ nhân dân” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với tỉnh Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ; tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Xòe Thái” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mọi người tham gia bảo vệ và phát huy di sản bằng những việc làm thiết thực; tiếp tục nhân rộng các mô hình, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

Bộ trưởng cũng mong rằng, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh cần làm tốt việc gìn giữ, phát huy các giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái nói riêng và văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung; tạo sức sống mới cho di sản, để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa, làm phong phú thêm kho tàng di sản hôm nay và mai sau, quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số; thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Yên Bái: Tưng bừng Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023
Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Mường Lò – Miền di sản”.

Tại lễ hội năm nay, du khách trong và ngoài nước được thưởng thức màn diễu diễn đường phố, với sự tham gia của 350 diễn viên quần chúng đến từ các dân tộc của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, mang đầy sắc màu và độc đáo, thể hiện những giá trị tinh hoa, đặc sắc nhất trong văn hóa bản địa của bà con dân tộc, như lời chào đón, mời gọi những du khách đến khám phá, trải nghiệm vùng đất Yên Bái huyền thoại. Tiếp theo đó là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Mường Lò – Miền di sản”, gồm 3 chương: “Về miền di sản”; “Vũ điệu Mường Lò”; “Đại xòe nối những vòng tay”, ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất Nghĩa Lộ – Mường Lò.

Yên Bái: Tưng bừng Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023
Màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái với chủ đề “Đại xòe nối những vòng tay”.

Kết thúc khai mạc lễ hội là một màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái, với chủ đề “Đại xòe nối những vòng tay”, một biểu tượng tinh thần mang giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, thể hiện sức sống mãnh liệt và sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, thu hút sự tham gia của trên 2.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng, tạo hình các hình tượng: Vòng xòe thuở sơ khai, hoa văn hình nóng nan (tượng trưng cho nghề đan lát truyền thống của đồng bào), hoa văn thổ cẩm, nhà sàn truyền thống, hoa ban….

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích