Tây Ninh: Mức tăng trưởng quý III/2023 cao hơn trung bình cả nước
(Xây dựng) – Mức tăng trưởng quý III/2023 của tỉnh Tây Ninh tăng 7,21%, bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 5,35%, mức tăng cao hơn mức bình quân chung của cả nước (4,24%) và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam bộ. Lĩnh vực đưa Tây Ninh “bứt phá” là ngành du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Tây Ninh có nhiều “điểm sáng” trong 9 tháng đầu năm 2023. |
Tổng sản phẩm trong tỉnh Tây Ninh (GRDP) 9 tháng năm 2023 ước thực hiện gần 42.700 tỷ đồng, tăng 5,35%. So với khu vực Đông Nam bộ, Tây Ninh đang đứng thứ 2/6 tỉnh, thành phố (đứng sau Bình Phước). “Điểm sáng” của Tây Ninh trong 9 tháng năm 2023 được xác định là ngành Du lịch. Với 4,22 triệu lượt khách tham quan (tăng 9,3%); tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.765 tỷ đồng (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước). Thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều khởi sắc, ước đạt 653 triệu USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 7,6% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tuy thấp hơn so cùng kỳ nhưng nằm trong nhóm khá cả nước.
Trong thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã tập trung vào xây dựng Dự thảo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện theo ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. HĐND tỉnh Tây Ninh đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch tỉnh, đồng thời trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.
Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực triển khai ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hiện nay, Trung tâm Giám sát đô thị thông minh của tỉnh đang vận hành chính thức 5 dịch vụ: Hệ thống giám sát dữ liệu các ngành; Hệ thống phản ánh hiện trường; Hệ thống hỏi đáp trực tuyến; Tổng đài 1022 Tây Ninh và Hệ thống camera giám sát.
Mặc dù tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Tây Ninh 9 tháng qua có chuyển biến tích cực, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn xác định cần tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt được kế hoạch đã đề ra. Trong đó, đặc biệt triển khai các biện pháp, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Tâm – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh: Toàn tỉnh cần xác định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh là phải tập trung giải ngân đầu tư, trước hết là đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư, được cấp phép xây dựng sớm triển khai giải ngân vốn đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với phát triển thương mại – dịch vụ, nhất là các dịch vụ, sản phẩm của địa phương có chất lượng, thương hiệu để thu hút du khách.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh và quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Phê duyệt Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát xây dựng trên địa bàn tỉnh, tổ chức đấu giá quyền khai thác theo quy định. Phê duyệt Dự án ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để tích hợp dự báo mực nước tại hồ chứa, dự báo lũ, ngập lụt có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trước mắt là xuất nhập khẩu hàng nông sản ở khu vực cửa khẩu để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến lĩnh vực chủ lực của tỉnh như mía, mì, cao su…
Về thương mại, quản lý thị trường, ngành chức năng cần có dự báo sớm, bảo đảm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, tết, không để biến động ảnh hưởng đến đời sống của người dân; đẩy mạnh các hoạt động về xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm của địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng