Lý do bệnh sốt xuất huyết ở châu Âu có thể ảnh hưởng lớn tới thế giới

Lý do bệnh sốt xuất huyết ở châu Âu có thể ảnh hưởng lớn tới thế giới

Vào sáng sớm ngày cuối cùng của tháng 8, người dân Paris lần đầu tiên được trải nghiệm một hoạt động thường chỉ xuất hiện ở các vùng nhiệt đới – chính quyền phun thuốc diệt muỗi hổ trong thành phố.

Chú thích ảnh
Sốt xuất huyết khá phổ biến ở các nước nhiệt đới, nhưng là căn bệnh “bị lãng quên” ở châu Âu. Ảnh: AFP/Getty Images

Đó là sự xác nhận hữu hình về những gì số liệu thống kê y tế công cộng cho thấy: Sốt xuất huyết, căn bệnh chết người do muỗi truyền, đã thực sự lan đến châu Âu.

Chỉ trong năm 2022, châu Âu chứng kiến ​​nhiều trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết hơn so với cả thập kỷ trước. Sự gia tăng này đánh dấu cả mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và cơ hội thị trường tương ứng cho vaccine và phương pháp điều trị sốt xuất huyết. Thông tin về nó sẽ thúc đẩy ngành dược phẩm tăng cường đầu tư vào một căn bệnh đã “bị lãng quên”.

Nhìn bề ngoài, sự thay đổi này dường như không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia châu Âu như Pháp mà còn cả các nước như Bangladesh và Philippines, những quốc gia đã chiến đấu với bệnh sốt xuất huyết từ lâu.

Nhưng giả định đó có thể sai lầm nghiêm trọng – các chuyên gia nói với tờ Politico.

Trên thực tế, những người làm việc trong lĩnh vực này cho biết sự gia tăng của bệnh sốt xuất huyết ở phương Tây có thể khiến việc cung cấp thuốc cứu sống những người cần chúng nhất tại các nước nghèo trở nên khó khăn hơn.

Muỗi truyền bệnh xâm nhập châu Âu

Biến đổi khí hậu và tình trạng di cư khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác như chikungunya và zika đang xuất hiện ở châu Âu.

Mặc dù sốt xuất huyết thường có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nhưng nó cũng có thể dẫn đến sốt cao, nhức đầu dữ dội và nôn mửa. Sốt xuất huyết nặng có thể gây chảy máu nướu răng, đau bụng và trong một số trường hợp có thể tử vong.

Chú thích ảnh
Biến đổi khí hậu và hoạt động di cư là những tác nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đang xuất hiện ở châu Âu. Ảnh: Getty Images

Cho đến nay, muỗi chủ yếu xuất hiện ở Nam Âu nhưng mối lo ngại thì lan trên khắp lục địa. Tại Bỉ, Viện nghiên cứu y tế công cộng quốc gia Sciensano thậm chí còn tung ra một ứng dụng trong đó người dân có thể gửi ảnh về bất kỳ con muỗi hổ châu Á nào mà họ phát hiện.

Các bệnh lây lan do loài muỗi này thường được coi là các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, gồm một nhóm bệnh lây nhiễm chủ yếu ảnh hưởng đến các nước có thu nhập thấp và đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nghiên cứu và phát triển. Nhưng điều này đang thay đổi.

Policy Cures Research, cơ quan xuất bản báo cáo thường niên về đầu tư R&D vào các bệnh bị lãng quên, đã loại vaccine sốt xuất huyết khỏi đánh giá của họ vào năm 2013. Tổ chức này vẫn đang theo dõi các loại thuốc sốt xuất huyết và chế phẩm sinh học. Phân tích năm 2022 của họ cho thấy nguồn tài trợ cho nghiên cứu các sản phẩm không phải vaccine tăng 33% so với năm trước, với mức đầu tư vào ngành đạt mức cao kỷ lục 28 triệu USD.

Sibilia Quilici, giám đốc điều hành của nhóm vận động hành lang sản xuất vaccine Vaccines Europe, cho biết cuộc đánh giá hệ thống gần đây nhất của các thành viên cho thấy khoảng 10% vaccine đang nhắm tới những căn bệnh “bị lãng quên”.

Tại các nhà sản xuất dược phẩm lớn, J&J đang nghiên cứu phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus sốt xuất huyết và MSD đang có vaccine sốt xuất huyết, trong khi Sanofi đang phát triển loại vaccine sốt vàng da thứ hai. Hai loại vaccine sốt xuất huyết đã được phê duyệt ở EU – một của Sanofi và một của Takeda. Moderna gần đây cho biết họ đang xem xét kỹ lưỡng một loại vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và có một loại đang được nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và phòng dịch châu Âu (ECDC) công bố chỉ ra rằng biến đổi khí hậu dường như góp phần vào việc lây lan các bệnh do muỗi truyền ở châu Âu. Ảnh: AFP/Getty Images

Nguy cơ thuốc và vaccine chỉ dành cho số ít

Nhưng nếu chỉ vì các “ông lớn” ngành dược có thể sớm có thị trường lớn hơn không có nghĩa là các sản phẩm sẽ phù hợp với nhóm dân cư đã chờ đợi nhiều năm để có được những công cụ này.

Rachael Crockett, giám đốc vận động chính sách cấp cao của sáng kiến phi lợi nhuận “​​Thuốc dành cho các bệnh bị lãng quên” (DNDi), cho biết việc tăng cường đầu tư dược phẩm vào một căn bệnh cụ thể không nhất thiết dẫn đến việc phát triển các sản phẩm phù hợp trên toàn cầu. Bà nói: “Ngành công nghiệp sẽ – và các chính phủ cũng có nhiều khả năng – tập trung vào việc phòng ngừa”.

Điều đó có nghĩa là các công cụ như vaccine sẽ được ưu tiên, nhưng ở những quốc gia nơi bệnh sốt xuất huyết hoành hành, mùa mưa gây quá tải cho hệ thống y tế và điều họ rất cần là các phương pháp phòng tránh và điều trị.

Bà Crockett cho biết sự gia tăng đầu tư lớn mà không có cơ cấu để đảm bảo khả năng tiếp cận các sản phẩm một cách công bằng có nghĩa là “chúng ta hoàn toàn không có gì đảm bảo rằng sẽ không có hoạt động tích trữ, rằng giá sẽ không bị đẩy cao”.

Một ví dụ điển hình là, kho dự trữ vaccine Ebola quốc gia của Mỹ vẫn tồn tại mặc dù chưa bao giờ xảy ra dịch Ebola ở nước này.

Nguyên nhân của nỗi sợ hãi này là những sai lầm của đại dịch COVID-19, khiến các quốc gia nghèo và yếu thế về sức mạnh chính trị phải xếp cuối hàng khi nói đến vaccine.

Chuyên gia Sibilia Quilici, tại nhóm vận động “Vaccines Châu Âu” đã tìm cách xoa dịu những lo ngại này, chỉ ra Tuyên bố Berlin của ngành dược phẩm, một đề xuất nhằm dành phân bổ sản xuất vaccine trong các cuộc khủng hoảng sức khỏe. Ông Quilici cho biết đây là một “cam kết thực sự mạnh mẽ xuất phát từ những bài học rút ra từ COVID-19 và chắc chắn có thể vượt qua những thách thức mà chúng ta gặp phải trong đại dịch, nếu nó được thực hiện nghiêm túc”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích