Dầu Giây (Đồng Nai): Quy hoạch 1/5000 chú trọng đến nhà ở xã hội

(Xây dựng) – UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Dầu Giây (Đồng Nai): Quy hoạch 1/5000 chú trọng đến nhà ở xã hội
Thị trấn Dầu Giây.

Diện tích khu vực lập quy hoạch có quy mô khoảng 1.414ha, trên cơ sở diện tích và ranh giới của thị trấn Dầu Giây, gồm các xã Bàu Hàm 2, Xuân Thạnh, Quang Trung và Hưng Lộc, huyện Thống Nhất và thành lập thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đô thị Dầu Giây được phân thành 3 phân khu để quản lý gồm: Phân khu trung tâm hành chính huyện, phân khu giáo dục đào tạo và phát triển đô thị, phân khu công nghiệp và đô thị.

Về vị trí lập quy hoạch là thị trấn Dầu Giây. Phía Bắc giáp xã bàu Hàm 2; phía Nam giáp với xã Hưng Lộc; phía Đông giáp với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và Dầu Giây – Liên Khương; phía Tây giáp với xã Bàu Hàm 2 và Hưng Lộc.

Dầu Giây dự báo đến năm 2025 sẽ có khoảng 50.000 người, đến năm 2030 sẽ có khoảng 65.000 người, tương ứng sẽ sử dụng đất đô thị khoảng 1.065ha đất vào năm 2025 và khoảng 1.246ha đất vào năm 2030.

Thị trấn Dầu Giây đặt mục tiêu, đến năm 2050, sẽ trở thành đô thị loại IV là một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ đầu mối hạ tầng lớn của huyện và tỉnh, động lực quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế – xã hội của vùng tỉnh Đồng Nai và vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, toàn huyện Thống Nhất sẽ phát triển trở thành thị xã phát triển bền vững với mô hình đô thị xanh, đô thị phát triển hài hòa thân thiện với môi trường gắn với bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động môi trường từ công nghiệp, đô thị có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, phát triển năng động, là nơi hấp dẫn đầu tư và thu hút nguồn nhân lực tới sinh sống và làm việc.

Khung giao thông của Dầu Giây cơ bản giữ nguyên hướng tuyến và lộ giới theo quy hoạch năm 2001 và các lần điều chỉnh cục bộ, giữ nguyên Trung tâm hành chính huyện Thống Nhất.

Sẽ cải tạo chỉnh trang khu vực dân cư trên các trục tuyến đường chính đô thị; Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20 và ĐT.769 tạo bộ mặt đô thị trở thành trục không gian cảnh quan và thương mại chính của đô thị Dầu Giây, bổ sung khu ở mới có hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, kiến trúc hiện đại. Cải tạo chỉnh trang quảng trường và sân vận động đô thị theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu cư dân cư A1-C1 để tổ chức những sự kiện văn hóa, giải trí lớn có ý nghĩa của toàn đô thị. Nâng cấp hệ thống công sở, trung tâm thương mại, văn phòng tại 5 khu vực khu trung tâm hiện hữu. Các khu vực đã xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống…. Đảm bảo đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Đến năm 2030, tổng nhu cầu phát triển đất nhóm ở tại Dầu Giây sẽ cần khoảng gần 396 ha. Vì vậy, bên cạnh phát triển các khu dân cư mới hiện đại, thị trấn Dầu Giây ưu tiên xây dựng: nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp phục vụ Khu công nghiệp Dầu Giây, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (giai đoạn 2) nhằm thu hút người dân đến ở tại đô thị Dầu Giây.

Theo quy hoạch, Dầu Giây tiếp tục, duy trì hoạt động Khu công nghiệp Dầu Giây đã được thành lập với quy mô 330,48ha và định hướng mở rộng đất xây dựng công nghiệp với quy mô khoảng 18,64ha, ưu tiên ngành công nghiệp sạch hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

Để nâng cấp đời sống tinh thần cho người dân, chính quyền thị trấn Dầu Giây sẽ hoàn thiện, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cấp đô thị, quy mô khoảng 5,65ha bao gồm; quảng trường văn hóa, các không gian giao lưu cộng đồng, các không gian đi bộ gắn với các công trình tượng đài, tượng đường phố, tranh tường nghệ thuật lớn… gắn kết với các khu cây xanh, công viên, cơ quan, công trình hành chính công cộng, cơ quan công sở, khu vui chơi giải trí.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích