33 Di sản thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 1)

33 Di sản thế giới mới nhất được UNESCO công nhận (kỳ 1)

MTĐT –  Thứ bảy, 25/09/2021 10:12 (GMT+7)

Theo UNESCO, Di sản thế giới được định nghĩa là “sự chỉ định các địa điểm trên Trái đất có giá trị phổ quát nổi bật đối với nhân loại và như vậy, đã được ghi vào danh sách Di sản thế giới cần được bảo vệ để các thế hệ tương lai trân trọng và tận hưởng”

Hằng năm, các thành viên của UNESCO họp và đánh giá những địa điểm nào nên được thêm vào danh sách Di sản thế giới. Năm ngoái, cuộc họp thường niên không diễn ra do dịch Covid-19, vì vậy năm nay, có nhiều sự bổ sung mới vào danh sách, từ các thành phố ở châu Âu, phong cảnh vùng mỏ, đến đường sắt xuyên Iran… Có nhiều điểm chung của các Di sản thế giới mới là đáng xem và đáng được bảo vệ cho tương lai.

Dưới đây là danh sách những di sản mới được bổ sung trong hai năm 2020/2021, theo thứ tự do UNESCO công bố.

1. Arslantepe Mound, Thổ Nhĩ Kỳ

tm-img-alt
Những bức tượng tại lối vào đồi Arslantepe Mound, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: travelawaits.com)

Nằm ở thành phố Malatya, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, Arslantepe hay còn gọi là Lion Mound là một ngọn đồi khảo cổ có niên đại khoảng 8.000 năm. Đây là một trong những địa điểm tôn giáo và dân cư sinh sống sớm nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Malatya nằm trong khu vực quan trọng về mặt lịch sử, nơi có thể tìm thấy cung điện đầu tiên của thế giới và di tích của hệ thống nhà nước đầu tiên.

2. As-Salt, Jordan

tm-img-alt
Thị trấn Salt ở Jordan. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Cách thủ đô Amman của Jordan khoảng 30 km, thị trấn Salt được mệnh danh “điểm đến của lòng khoan dung và hiếu khách”. Là một trung tâm thương mại sầm uất, thị trấn nằm bên sườn đồi sở hữu khoảng 650 tòa nhà lịch sử quan trọng, thể hiện sự pha trộn giữa phong cách Tân nghệ thuật châu Âu và phong cách Tân thuộc địa. Sự phát triển không tách biệt của thành phố thể hiện sự khoan dung giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.

3. Khu phức hợp khảo cổ Chankillo, Peru

tm-img-alt
Khu phức hợp khảo cổ Chankillo, Peru. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Di tích tiền sử trên bờ biển trung tâm phía Bắc của Peru có niên đại 250-200 trước Công nguyên và được xem là khu phức hợp thiên văn lâu đời nhất ở châu Mỹ. Loạt 13 tháp đá được xây dựng trên sườn đồi giúp thông tin về bất kỳ ngày tháng nào, trong khi các nhà thiên văn học cũng có thể theo dõi chuyển động của Mặt trời trong suốt chu kỳ hằng năm của nó.

4. Thuộc địa của lòng nhân từ, Bỉ và Hà Lan

tm-img-alt
Thuộc địa Nhân ái ở Hà Lan. (Nguồn: travelawaits.com)

Năm 1818, những Thuộc địa của lòng nhân từ (Colonies of Benevolence) được thành lập tại Vương quốc Hà Lan, vào thời điểm đó vẫn thuộc Bỉ. Bốn thuộc địa bao gồm các trang trại, nhà thờ và nhà ở. Các gia đình nghèo, người lang thang, trẻ mồ côi và người ăn xin có thể chuyển đến những nơi này để làm việc và sinh sống. Các thuộc địa này nằm ở Frederiksoord, Wilhelminaoord, Veenhuizen (Hà Lan) và Wortel (Bỉ).

5. Ngọn hải đăng Cordouan, Le Verdon-Sur-Mer, Pháp

33 Di sản Thế giới mới nhất được UNESCO công nhận
Ngọn hải đăng Cordouan ở Le Verdon-Sur-Mer, Pháp. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Nằm ở cửa sông Gironde, trên bờ biển Đại Tây Dương của Pháp và không quá xa thành phố cảng Bordeaux, ngọn hải đăng này lần đầu tiên mở cửa vào năm 1611 và hiện là ngọn hải đăng lâu đời nhất tại Pháp vẫn còn hoạt động. Với chiều cao 68 mét (221 feet), đây là ngọn hải đăng cao thứ 10 trên thế giới và du khách có thể leo 301 bậc để lên tham quan đỉnh của ngọn hải đăng.

6. Cảnh quan văn hóa của Hawraman / Uramanat, Iran

Điều đáng buồn là du khách không dễ dàng tiếp cận khu vực hẻo lánh trong vùng núi dọc theo biên giới Iran và Iraq. Địa danh bao gồm 12 ngôi làng nằm trên sườn núi, ghi dấu ấn rõ nét của những người bán du mục Hawrami vốn sinh sống từ khoảng năm 3000 trước Công nguyên. Sự thích nghi của người Hawrami và những cách thức sáng tạo trong việc sinh sống và canh tác ở vùng núi hiểm trở này thực sự đáng chú ý.

7. Dholavira, bang Gujarat, Ấn Độ

tm-img-alt
Dholavira ở bang Gujarat, Ấn Độ. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Địa điểm khảo cổ Dholavira ở Thung lũng Indus đại diện cho nền văn hóa Harappan cổ đại, có niên đại từ năm 3.000–1.500 trước Công nguyên. Dholavira, tiếng địa phương gọi là Kotada, có nghĩa là “pháo đài lớn”, trải rộng trên 100 mẫu Anh với thị trấn gần nhất là Bhuj, cách địa điểm này khoảng 150 dặm.

8. Biên thành La Mã

Vùng núi thấp của Đức và Hà Lan, lưu vực sông Danube, gồm Đức, Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia, Bulgaria và Romania. Đây là danh sách bao gồm nhiều quốc gia và nhiều địa điểm, về cơ bản bao gồm các biên giới quân sự của Đế chế La Mã trước đây, bao gồm các pháo đài, tháp, trại, bến cảng và đường xá, quân sự và dân sự. Chỉ riêng biên giới sông Danube đã trải dài 375 dặm và sẽ tạo nên một chuyến đi hoàn hảo cho những người đam mê lịch sử La Mã.

9. Khu khảo cổ tiền sử Jomon, Hokkaido, Nhật Bản

tm-img-alt
Khu khảo cổ tiền sử Jomon ở Nhật Bản. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Ở phía Bắc Nhật Bản, có một số địa điểm khảo cổ, các làng văn hóa được phục hồi, các triển lãm và bảo tàng về thời kỳ Jomon, một thời kỳ tiền sử kéo dài từ kỷ băng hà cuối cùng, khoảng 15.000 năm trước cho đến năm 300 sau Công nguyên. Đó là một khoảng thời gian chứa đầy các chi tiết lịch sử hấp dẫn cần được nghiên cứu và tham quan.

10. Đền Kakatiya Rudreshwara, bang Telangana, Ấn Độ

tm-img-alt
Đền Kakatiya Rudreshwar ở bang Telangana, Ấn Độ. (Nguồn: UNESCO World Heritage Centre)

Đền Rudreshwara, còn được gọi là Đền Ramappa, có tuổi đời 800 năm với đền chính thờ thần Shiva trong quần thể Kakatiya có tường bao quanh. Ngôi đền này được xây dựng bằng đá sa thạch từ năm 1213 và có lẽ là ngôi đền duy nhất ở Ấn Độ được biết đến với tên gọi của nghệ nhân điêu khắc (Ramappa).

Đền Rudreshwara nằm cách thành phố Hyderabad (bang Telangana) khoảng 125 dặm và là điểm đến thích hợp cho những người ngưỡng mộ kiến trúc rực rỡ.

11. Mathildenhöhe Darmstadt, Đức

tm-img-alt
Mathildenhöhe Darmstadt ở Đức. (Nguồn: Bild)

Tại thành phố Darmstadt ở miền Trung Tây nước Đức có một tòa tháp trông giống như một bàn tay đang vươn lên, nơi có một không gian làm việc cho các nghệ sĩ theo trường phái Tân nghệ thuật vào cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX. Không gian này, bao gồm nhiều tòa nhà theo phong cách Đức, không chỉ thu hút các nghệ sĩ và những người yêu thích kiến ​​trúc, mà còn cho bạn một lý do chính đáng để đến thăm thành phố lịch sử Darmstadt, một “viên ngọc quý ẩn mình”.

12. Thành phố Nice, Pháp

tm-img-alt
Thành phố Nice. (Nguồn: Lonely Planet)

Thành phố ở vùng Riviera của Pháp này thực sự không cần phải giới thiệu, nhưng bạn có thể tự hỏi tại sao nó được chọn trong khi rất nhiều thành phố khác của Pháp cũng đẹp nhưng không có trong danh sách Di sản thế giới.

Theo UNESCO, Nice được chọn là “Thành phố nghỉ mát mùa đông của vùng Riviera”, “chứng kiến ​​sự phát triển của khu nghỉ dưỡng khí hậu mùa Đông do khí hậu ôn hòa của thành phố và vị trí bên bờ biển ở chân núi Alps. Từ giữa thế kỷ XVIII, Nice đã thu hút ngày càng nhiều các gia đình quý tộc và thượng lưu, chủ yếu là người Anh, đến nghỉ đông ở đó”.

13. Những bức tranh tường thế kỷ XIV ở Padua, Italy

tm-img-alt
Những bức tranh tường thế kỷ XIV ở Padua, Italy. (Nguồn: travelawaits.com)

Những bức bích họa được thực hiện từ năm 1302 đến năm 1397 ở thành phố Padua đã được ghi danh là di sản thế giới thứ 58 của Italy. Có 8 khu phức hợp tôn giáo và thế tục, nơi lưu giữ, tuyển chọn các bức bích họa của nhiều nghệ sĩ. Nổi bật nhất là bích họa tại Nhà thờ Scrovegni của họa sĩ Giotto, một kiệt tác trong lịch sử hội họa ở Italy và châu Âu vào thế kỷ XIV, đánh dấu mốc khởi đầu cho sự phát triển của vẽ tranh tường.

14. Đại lộ Paseo Del Prado và công viên Retiro, Madrid, Tây Ban Nha

tm-img-alt
Đại lộ Paseo del Prado. (Nguồn: Wikimedia)

UNESCO mô tả khu vực này của thủ đô Madrid như một cảnh quan của nghệ thuật và khoa học, một địa điểm không thể bỏ qua. Đại lộ Paseo del Prado rộng lớn, rợp bóng cây và công viên Retiro với 6 bảo tàng, trong đó có khu giải trí Museo Nacional del Prado nổi tiếng. Nơi đây thường được coi là khu phố cổ của nghệ thuật và khoa học.

15. Những bức tranh khắc đá gần Hồ Onega và Biển Trắng, Nga

Trong những khu rừng và vùng hồ rải rác ở Tây Bắc nước Nga, không xa biên giới Phần Lan, là Hồ Onega và Biển Trắng với khoảng 4.500 bức tranh khắc đá. Những bức tranh này có tuổi đời khoảng 6.000–7.000 năm và chủ yếu mô tả động vật và người, cũng như cảnh săn bắn và chèo thuyền. Đến thăm vùng đất xa xôi này không phải là dễ dàng, nhưng có một vài tour du lịch khởi hành từ thành phố St.Petersburg.

16. Thành phố cảng Tuyền Châu ở Trung Quốc

tm-img-alt
Nhà thờ Hồi giáo Qingjing ở Tuyền Châu, Trung Quốc. (Nguồn: travelawaits.com)

Nằm trên vùng đồng bằng hẹp, dọc theo bờ biển của tỉnh Phúc Kiến, Tuyền Châu là nơi có Nhà thờ Hồi giáo Qingjing thế kỷ XI, một trong những nhà thờ Hồi giáo ra đời sớm nhất ở Trung Quốc. Những ngôi mộ Hồi giáo và một loạt di tích khảo cổ cho thấy tầm quan trọng của thành phố ven biển này như một trung tâm hàng hải dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV.

17. Phong cảnh vùng mỏ Roșia Montană ở Romania

Cảnh quan những vùng mỏ thường bị xấu đi do những hố sâu trên mặt đất. Ở mức đó nào đó, điều này cũng đúng với vùng mỏ Roșia Montană. Tuy nhiên, đây là kết quả của quá trình người La Mã đào mỏ tìm vàng, bằng cách sử dụng những công nghệ khiến cho con người hiện đại vẫn phải kinh ngạc. Đó là sự kết hợp giữa công nghệ khai thác La Mã nhập khẩu với các kỹ thuật phát triển tại địa phương, chưa từng được biết đến ở những nơi khác từ thời sơ khai. Vùng này nên được coi là một phần của bất kỳ chuyến du lịch nào tới vùng Balkans bắt đầu từ thủ đô Sofia của Romania.

(còn tiếp…)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích