Loại cây của Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản lượng, đem xuất khẩu thu 1,3 triệu USD
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 5,35 triệu tấn cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005), với trị giá 7,98 tỷ USD, tăng 13,9% về lượng, nhưng giảm 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trừ Malaysia, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 976,1 nghìn tấn, trị giá 1,3 triệu USD, tăng 16,7% về lượng, nhưng giảm 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần cao su Việt Nam chiếm 18,23% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023, cao hơn so với mức 17,79% của 8 tháng đầu năm 2022.
8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, nhập khẩu các chủng loại này đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cao su tự nhiên chiếm 31,58% tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi cao su tổng hợp chiếm 67,18%; phần còn lại là cao su tái sinh và cao su hỗn hợp.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,69 triệu tấn cao su tự nhiên (HS 4001), với trị giá 2,2 tỷ USD, tăng 6,7% về lượng, nhưng giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng thời gian này, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 124,63 nghìn tấn, trị giá 135,94 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,37% trong tổng lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 9,16% của 8 tháng đầu năm 2022.
Trung Quốc cũng nhập khẩu 2,6 triệu tấn hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) trong 8 tháng qua với trị giá 3,59 tỷ USD, tăng 25,7% về lượng, nhưng giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 846,06 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 23,4% về lượng, nhưng giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường thế giới, đầu tháng 8 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á nhích nhẹ rồi quay đầu giảm do kinh tế Trung Quốc khó khăn và doanh số bán ôtô của nước này giảm.
Theo Hiệp hội ôtô chở khách Trung Quốc (CPCA), doanh số bán xe chở khách của nước này giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7, đạt 1,79 triệu chiếc, giảm 2,6% so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên, đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam) cho rằng nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc dần hồi phục. Do đó, 5 tháng cuối năm, xuất khẩu cao su sang thị trường này sẽ tăng cao. Trong những tuần gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách để hỗ trợ nền kinh tế khi quá trình phục hồi sau đại dịch của nước này chững lại.
Tuy đạt được kết quả khả quan, ngành cao su cần giải quyết những nút thắt trong phát triển. Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends, cho hay hiện nay cao su đại điền (các công ty cao su nhà nước) đạt 455.000 ha, tương đương gần 48% tổng diện tích cao su của cả nước. Phần còn lại 477.000 ha, tương đương 52% là cao su của các hộ dân, hay còn gọi là cao su tiểu điền.
Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp. Điều này dẫn đến sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su.
Theo Thương hiệu và Sản phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu