Tỉnh Quảng Trị và WWF hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học
Tỉnh Quảng Trị và WWF hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học
Việc ký kết thỏa thuận sẽ thiết lập dấu mốc hợp tác mới, có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn, ở phạm vi rộng hơn giữa UBND tỉnh Quảng Trị và WWF-Việt Nam với mục tiêu chung là đồng hành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Ngày 2/10, tại TP. Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển bền vững gắn với cải thiện sinh kế cho người dân; đồng thời tổ chức hội thảo khởi động dự án “Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, Quảng Trị luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các tổ chức quốc tế để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như: Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh, an sinh xã hội, phát triển sinh kế… Đặc biệt là sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần từ phía tổ chức WWF – Việt Nam, qua đó góp phần không nhỏ trong việc giúp Nhân dân phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế, thúc đẩy xây dựng dự án tín chỉ rừng trồng gỗ lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Việc ký kết thỏa thuận sẽ thiết lập dấu mốc hợp tác mới, có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn, ở phạm vi rộng hơn giữa UBND tỉnh Quảng Trị và WWF-Việt Nam với mục tiêu chung là đồng hành trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên nước, cải thiện sinh kế bền vững và góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo đó, UBND tỉnh và WWF – Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác 5 năm (10/2023-10/2028) hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Lĩnh vực hợp tác của hai bên sẽ tập trung vào việc quản lý và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và các loài động thực vật hoang dã; năng lượng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn biển và giảm rác thải nhựa; thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái nước ngọt.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra hội thảo khởi động dự án “Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”. Dự án hướng tới việc giúp nông dân chuyển đổi toàn diện mô hình sản xuất cà phê theo hướng sinh thái bền vững song song với việc bảo vệ và phát triển tốt hơn diện tích rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hóa.
Với tổng vốn thực hiện dự án là 8.568.560 DKK (đơn vị tiền tệ Đan Mạch), tương đương gần 30 tỉ đồng, dự án sẽ cùng các hộ nông dân trên địa bàn 10 xã, thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa, gồm: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Nang, Húc và thị trấn Khe Sanh xây dựng mô hình cà phê nông lâm kết hợp, trồng xen hợp lý giữa cây cà phê, cây ăn quả và cây lâm nghiệp bản địa.
Đây được đánh giá là mô hình có tính bền vững và có khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Dự án đặt mục tiêu bảo vệ 18 ngàn ha rừng tự nhiên trong hành lang sinh học kết nối giữa hai khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông; xây dựng vùng cà phê nguyên liệu có chứng nhận hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời kỳ vọng sẽ giúp tăng trung bình 40% thu nhập cho khoảng 2 nghìn hộ nông dân sản xuất cà phê quy mô nhỏ; làm cầu nối, thúc đẩy sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nông dân để hình thành chuỗi giá trị cà phê bền vững, xóa bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, đây cũng là hoạt động nằm trong hợp tác chung giữ WWF – Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tỉnh Quảng Trị là một trong số ít tỉnh của Việt Nam sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao. Tuy nhiên, phần lớn diện tích được canh tác theo phương thức độc canh nên năng suất cà phê ngày càng giảm, tác động đáng kể đến thu nhập của người dân.
Cùng với đó, việc bón quá nhiều phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu không hợp lý làm cho môi trường đất bị suy thoái. Chính vì vậy, dự án triển khai ở tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tính thích nghi đối với tác động của khí hậu, cải thiện sinh kế địa phương thông qua mô hình sản xuất cà phê nông lâm kết hợp bền vững, thân thiện với môi trường.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị