Nỗ lực dập tắt đám cháy rừng giữa cao điểm mùa khô tại Indonesia
Nỗ lực dập tắt đám cháy rừng giữa cao điểm mùa khô tại Indonesia
Lực lượng cứu hỏa đang chạy đua dập tắt các đám cháy rừng trên khắp các khu vực của Indonesia, trong bối cảnh thời tiết nắng nóng và khô hạn dự kiến sẽ lên đến đỉnh điểm trong tháng 10 này.
Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia mới đây đã ra tuyên bố cho biết đã dập tắt được 8 trong số 44 vụ cháy rừng ở khu vực phía Nam đảo Sumatra. Hiện lực lượng cứu hỏa đang tiến hành các hoạt động dập lửa trên mặt đất và dội nước từ trên không để dập tắt các đám cháy còn lại.
Trước đó, ngày 1/10, bộ trên cho hay lực lượng cứu hỏa cũng đặt mục tiêu dập tắt các đám cháy rừng và đất than bùn ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo trong 2-3 ngày tới, nhất là khi các đám cháy đã lan đến gần một con đường và trường học. Tại tỉnh này, tổng cộng 147 điểm nóng đã được xác định ở mức độ từ trung bình đến cao.
Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, hình ảnh vệ tinh đã ghi nhận được 52 điểm nóng cháy rừng ở Sumatra và 264 điểm ở Borneo.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia cảnh báo rằng cháy rừng và đất than bùn có nguy cơ kéo dài do gần đây có rất ít hoặc không có mưa ở nhiều khu vực.
Chính quyền nước này đang sử dụng công nghệ tạo mưa nhân tạo để giữ ẩm cho các vùng đất than bùn và lấp đầy các hồ chứa phục vụ cho việc chống cháy.
Các vụ cháy rừng ở Indonesia thường diễn ra hàng năm vào mùa khô. Tuy nhiên, đây là đợt cháy rừng tồi tệ nhất kể từ năm 2019, khi khói mù khiến gần 2.500 trường học phải đóng cửa trên khắp Malaysia. Phần lớn các vụ cháy rừng ở Indonesia xảy ra ở các khu vực Sumatra và Borneo, nằm giữa Indonesia, Malaysia và Brunei.
Khói mù từ các đám cháy rừng và hoạt động phát quang ở Indonesia và nước láng giềng Malaysia là vấn đề thường xuyên xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, làm gián đoạn hoạt động du lịch và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế địa phương.
Malaysia cho biết các đám cháy rừng hiện nay ở Indonesia là nguyên nhân gây ra khói mù và tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở các khu vực phía Tây nước này.
Theo Cục Môi trường Malaysia, các điểm nóng ở tỉnh Nam Sumatra và tỉnh Jambi trên đảo Sumatra của Indonesia đang tiếp tục đẩy các đám khói mù từ vừa đến dày đặc về hướng Tây Bắc, trong khi các điểm nóng trên đảo Kalimantan của nước láng giềng này cũng tạo ra các đám khói mù ảnh hướng tới bang Sarawak của Malaysia.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị