Siêu phẩm ô tô bay đầu tiên sắp ra mắt tại Ấn Độ có gì đặc biệt?
Vinata Aeromonility là một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Chennai, Tamil Nadu, Ấn Độ. Đại diện công ty cho biết sẽ trình làng chiếc ô tô bay tự động đầu tiên trên toàn cầu tại một trong những triển lãm uy tín nhất – Helitech Expo 2021 diễn ra tại ExCel, London.
Ông Scindia, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ấn Độ cho hay, hy vọng sẽ được nhìn thấy những chiếc ô tô bay sử dụng trong vận chuyển người và hàng hóa, cũng như cung cấp các dịch vụ y tế khẩn cấp.
Theo đó, chiếc ô tô bay mới của Vinata trang bị bảng điều khiển kỹ thuật số sử dụng trí tuệ nhân tạo và được thiết kế để mang lại trải nghiệm hấp dẫn khi bay cũng như lái xe trên đường.
Về tổng thể, chiếc xe có thiết kế sang trọng và đẹp mắt. Một loạt tính năng được trang bị bao gồm bộ theo dõi GPS, cửa sổ toàn cảnh, hệ thống giải trí trực tuyến và nhiều tính năng khác.
Chiếc ô tô bay nặng 1.100kg và có thể chịu trọng lượng cất cánh 1.300 kg. Nó sẽ sử dụng kết hợp động cơ nhiên liệu hydro và pin điện hoặc sử dụng động cơ như máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng. Tuy nhiên, Vinata Aeromobility cũng cho rằng ô tô bay chạy bằng động cơ hybrid bền vững hơn vì nó sử dụng nhiên liệu sinh học.
Ngoài ra, chiếc xe được trang bị cấu hình Rotor của hệ thống bốn cánh quạt đồng trục. Nó có thể di chuyển với tốc độ 100-120 km/h, thời gian bay tối đa là 60 phút và đạt được độ cao gần 915 mét.
Hiện nay, trên thế giới mẫu taxi bay Urban Air Mobility (UAM) của Airbus dự kiến sẽ sớm trở thành phương tiện bay thương mại ở Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Boeing và Airbus cũng chung tay biến taxi bay thành hiện thực ở Nhật Bản. Trong khi Lockheed Martin và Uber đang hợp tác cùng nhau để đưa công nghệ này ra thị trường.
Trong cùng diễn biến, vừa qua, chiếc ô tô bay của công ty Klein Vision đã bay quanh thành phố Nitra và thủ đô Bratislava vào thời điểm cuối tháng 6/2021. Chiếc xe mang tên AirCar Prototype 1 được trang bị động cơ BMW 160 mã lực và một cánh quạt cố định. Xe có thể chuyển từ máy bay thành phương tiện đường bộ trong vòng chưa đầy 3 phút.
Theo hãng sản xuất Klein Vision, hiện AirCar đã hoàn thành hơn 40 giờ bay thử nghiệm, bao gồm bay ở độ cao 8.200 feet (2,5 m) và đạt tốc độ bay tối đa 190 km/h. Sau khi hạ cánh xuống Thủ đô Bratislava, chiếc AirCar Prototype 1 đã biến thành một chiếc ô tô và được điều khiển đi vào trung tâm thành phố bởi Giám đốc điều hành của Klein Vision, Stefan Klein và người đồng sáng lập công ty Anton Zajac.
Klein Vision hiện đang trong quá trình thử nghiệm và phát triển model mới có tên là AirCar Prototype 2 và sẽ được trang bị động cơ 300 mã lực. Nó có thể di chuyển với tốc độ tối đa 300 km/h và có phạm vi hoạt động 1.000 km. Hãng cũng có kế hoạch phát triển các mẫu AirCar ba và bốn chỗ ngồi, cũng như các phiên bản động cơ đôi và đổ bộ.
Ngày càng có nhiều công ty khám phá tiềm năng của phương tiện bay bất chấp các rào cản bao gồm cả sự an toàn và độ tin cậy. Các phương tiện bay này sẽ đối mặt với việc hoạt động trong vùng trời đông đúc, gần các máy bay không người lái nhỏ và cả máy bay truyền thống, đồng thời có thể mất rất nhiều năm để được cấp phép và sử dụng phổ biến.
Trước đó, Uber và Hyundai đã công bố kế hoạch cho một chiếc taxi bay chạy bằng điện tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng năm ngoái ở Las Vegas. Michael Cole, Giám đốc điều hành của Hyundai tại châu Âu cho biết họ đang làm việc “rất tích cực” cho chương trình này.
Vào tháng 2/2021, Volkswagen cũng cho biết đang xem xét các phương tiện bay ở Trung Quốc. Trong khi đó, Porsche, Daimler và Toyota đều đã hỗ trợ các công ty khởi nghiệp máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL).
Tại thời điểm tháng 8 năm ngoái, công ty Nhật Bản Sky Drive Inc. đã tiến hành cuộc trình diễn công khai đầu tiên một phương tiện bay. Chiếc xe đã cất cánh từ Trường thử nghiệm của Toyota và đi vòng quanh khoảng 4 phút.
Chiếc ôtô bay số hiệu SD-03 là phương tiện cất và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) và được vận hành bởi một phi công, theo báo New York Times. Máy bay có một chỗ ngồi, hoạt động với 8 động cơ và 2 cánh quạt ở mỗi góc. SD-03 đã bay lên không trung với độ cao 3m trong thử nghiệm bay kéo dài 4 phút.
Tomohiro Fukuzawa, Giám đốc điều hành của SkyDrive cho biết từ 5 năm trước đã có nhiều nguyên mẫu ôtô bay khác nhau, nhưng sản phẩm của SkyDrive là nhỏ gọn nhất và nhẹ hơn các thiết kế khác.
SkyDrive bắt đầu phát triển ôtô bay vào năm 2014 và đã nhận được tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Nhật Bản cùng các nhà đầu tư khác trong năm nay.
Một số công ty khác đang phát triển công nghệ tương tự, bao gồm Boeing và Airbus, cũng như các nhà sản xuất ôtô như Toyota và Porsche. Hồi tháng 1, Hyundai và Uber cũng thông báo hợp tác sản xuất taxi chạy bằng điện.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley kỳ vọng taxi bay sẽ phổ biến vào năm 2040. Thị trường toàn cầu dự đoán từ 1,4 tới 2,9 nghìn tỉ USD.
Derya Aksaray, trợ lý giáo sư kỹ thuật hàng không và cơ khí tại đại học Minnesota (Mỹ) cho biết, an toàn là một trong hai thách thức lớn nhất ngăn cản công nghệ ôtô bay được phổ biến rộng rãi. Theo Aksaray công nghệ tự hành an toàn cho phương tiện bay eVTOL vẫn đang được phát triển. Thách thức còn lại là thiết kế: phương tiện phải đủ khỏe để chở bất kỳ trọng lượng nào, nhưng cũng phải đủ yên tĩnh để bay ở độ cao thấp.
Ella Atkins, giáo sư kỹ thuật hàng không tại đại học Michigan (Mỹ) bày tỏ nhiều quan điểm trái chiều về tính thực tiễn của ôtô bay loại eVTOL. “Chúng tiết kiệm nhiên liệu hơn máy bay trực thăng nhưng hao nhiên liệu hơn ôtô thường. Từ góc độ chi phí, sẽ không thực tế khi dùng ôtô bay ra cửa hàng tạp hóa”, giáo sư Atkins nói.
Giáo sư Atkins nhận định, ô tô bay kiểu này sẽ phù hợp hơn với các cộng đồng xa thành phố hoặc các quốc gia có địa hình phức tạp.
SkyDrive lên kế hoạch bán phiên bản eVTOL có hai chỗ vào năm 2023 với giá khoảng 300.000- 500.000 USD. Với mức giá này, không có công dân với thu nhập trung bình nào có thể mua nó trong vòng 20 năm tới, giáo sư Atkins nhận định.
Các chuyên gia có cùng nhận định rằng nếu thành công, chắc chắn ô tô bay sẽ là phương tiện giao thông rất khác biệt, giúp giảm ùn tắc và khắc phục hạn chế về địa hình khi di chuyển trên mặt đất. Nhưng nhìn chung, tính khả thi về mặt kỹ thuật của ô tô bay đang hướng tới mục đích sử dụng thương mại, tức là đáp ứng các yêu cầu của du lịch hàng không về quãng đường bay, tuổi thọ điện và độ an toàn.
Tuy nhiên, nếu đưa ô tô bay vào sử dụng trên diện rộng, dù xét về yêu cầu quản lý, phương tiện hỗ trợ thậm chí là vấn đề ùn tắc mà người dân đã nhiều lần phàn nàn thì đó vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu. Hiện chưa có lịch trình sử dụng ô tô bay thương mại quy mô lớn.
Về cơ bản mà nói, bản thân chiếc xe bay có một nghịch lý rất lớn. Ý nghĩa ban đầu của khái niệm này là nó có thể được sử dụng như một phương tiện di chuyển trên bộ và trên không. Khi bạn cần di chuyển quãng đường dài, hãy chuyển sang chế độ trên máy bay và lái xe đường trường khi bạn cần đi những quãng đường ngắn.
Các giải pháp ô tô bay hiện nay đang giải quyết vấn đề này bằng cánh quạt có thể gập lại được, giúp việc chuyển đổi giữa bay và lái trên mặt đất trở nên thuận tiện và dễ dàng. Nhưng vấn đề khó tránh khỏi khác là những chiếc xe như vậy vẫn chiếm dụng tài nguyên đường cao tốc. Trong tình trạng tắc nghẽn ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, việc bổ sung ô tô bay chắc chắn sẽ mang đến thử thách khắc nghiệt hơn cho giao thông mặt đất. Đây cũng là lý do khiến nhiều phương tiện bay lưỡng dụng trên bộ không thể thực sự xuống đường.
Sau chuyến bay thử nghiệm thành công chiếc ô tô bay SkyDrive của Nhật Bản, một quan chức đã nói: “Chiếc ô tô bay này được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề giao thông của các vùng núi hoặc đảo xa xôi, hoặc các vấn đề trong hoạt động cứu trợ thiên tai và vận chuyển hàng hóa”.
Tính đến khả năng thực tế ở thời điểm hiện tại, sản xuất ô tô bay vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, những chiếc ô tô bay có độ ồn không kém gì máy bay trực thăng cỡ nhỏ. Do vậy, nó sẽ không phù hợp khi được sử dụng ở các thành phố, nhất là vào ban đêm.
Theo thiết kế, để ô tô vẫn bay trên không cần phải có cánh quạt và hệ thống ống gió (duct fans – hoặc công nghệ tương tự) như trên máy bay. Cả hai đều là những bộ phận gây ồn hàng đầu của máy bay. Với rất nhiều ô tô bay trên không cùng một lúc, các thành phố của chúng ta sẽ ồn ào đến mức khó tin.
Chỉ cần xem xét âm thanh được tạo ra bởi Bell J-2A, một máy bay trực thăng hai người tạo ra tiếng ồn khoảng 100 dB. Hãy tưởng tượng có hàng trăm chiếc như vậy cùng bay trên bầu trời thì độ ồn kinh khủng đến mức nào.
Bên cạnh đó, thế giới hiện đang nỗ lực để loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ và cắt giảm khí thải phương tiện giao thông. Với lượng khí thải C02 đang đạt mức cao nhất mọi thời đại, chúng ta không thể phát triển mạnh ô tô bay khi chưa có nguồn năng lượng thay thế phù hợp.
Ngoài lượng khí thải ra, hiệu quả sử dụng nhiên liệu cũng sẽ được đặt ra. Trong khi các máy bay thương mại “đốt” rất nhiều nhiên liệu nhưng lại chuyên chở số lượng hành khách và hàng hoá rất lớn. Do vậy, máy bay có hiệu quả sử dụng nhiên liệu vẫn ở mức cao.
Trong khi mỗi chiếc ô tô bay chỉ chở được 2-4 người, hiệu quả sử dụng nhiên liệu của loại phương tiện này rất thấp. Đây là điều không được khuyến khích trong nhiều thập kỷ qua. Ngay cả khi trong tương lai, nếu ô tô bay sử dụng điện thì vẫn rất tốn kém.
Khác hẳn so với lái ô tô trên đường, những chiếc ô tô bay đòi hỏi người lái phải được đào tạo bài bản, kỹ càng hơn rất nhiều. Người lái lúc này không phải là “lái xe” nữa mà trở thành “phi công”. Các quốc gia cũng sẽ phải xây dựng hệ thống luật pháp riêng dành cho loại phương tiện này.
Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi có ô tô bay tự hành thì người sử dụng vẫn cần phải có những chuyên môn nhất định. Hiện nay, công nghệ ô tô tự hành dưới mặt đất vẫn đang được phát triển và có thể trở thành xu thế trong 10-20 năm tới. Tất nhiên, ô tô bay sẽ phải đi sau khá lâu.
Trong khi chúng ta hiện có máy bay lớn và máy bay không người lái cỡ nhỏ cho phép hành khách tiếp cận bầu trời nhưng có vẻ như sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa để ô tô bay trở thành xu hướng chủ đạo. Điều đó phụ thuộc vào việc khắc phục 3 yếu tố ở trên, đó là phát triển xe tự hành, công nghệ xe điện tiết kiệm nhiên liệu và tập trung vào giảm tiếng ồn.
Các chuyên gia cho rằng, phải mất vài thập kỷ nữa để các công nghệ này có thể áp dụng được trên ô tô bay. Sớm nhất là đến năm 2050-2060 chúng ta mới có ô tô bay chạy điện sản xuất hàng loạt để người bình thường có thể sở hữu được loại phương tiện thú vị này.
Diệu Hương (T/h)