Google chính thức ra mắt ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật
Cụ thể, ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh của Google có tên Camera Switches. Ứng dụng này cho phép người dùng sử dụng khuôn mặt của mình để tương tác với điện thoại. Google cho biết, bằng cách nhíu mày hoặc mỉm cười, người gặp các vấn đề về sức khỏe hay lời nói giờ đây có thể thực hiện được những thao tác trên các mẫu smartphone sử dụng hệ điều hành Android thông qua ứng dụng mới được Google công bố.
Theo một thông báo của Google, để các thiết bị Android dễ dàng tiếp cận hơn cho mọi người, hãng công nghệ giới thiệu những công cụ mới, qua đó giúp điều khiển điện thoại dễ hơn và giao tiếp dựa theo những chuyển động trên khuôn mặt.
Bên cạnh đó, Google còn trình làng ứng dụng Project Activate. Đây là ứng dụng cho phép người dùng có thể lựa chọn thực hiện tác vụ trên máy bằng cách mỉm cười, nhíu mày, mở miệng hoặc nhìn sang các hướng. Theo ước tính bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, có khoảng 61 triệu người trưởng thành tại nước này gặp khó khăn trong cuộc sống do những khuyết tật. Do đó, CDC đã đề nghị Google cùng Apple và Microsoft thiết kế các sản phẩm và dịch vụ để người khuyết tật có thể dễ dàng sử dụng smartphone.
Ứng dụng mới của Google hiện đã có trên Play Store tại Mỹ, Australia, Anh và Canada. Không chỉ Google, Apple sắp phát triển tính năng phát hiện trầm cảm, suy giảm nhận thức trên thiết bị điện thoại iPhone. Theo WSJ, Apple được cho là đang nghiên cứu công nghệ giúp chẩn đoán trầm cảm và suy giảm nhận thức. Công ty hy vọng có thể mở rộng các công cụ theo dõi sức khỏe trên những thiết bị di động của mình.
Sử dụng một loạt dữ liệu cảm biến như khả năng di chuyển, hoạt động thể chất, giấc ngủ, các nhà nghiên cứu kỳ vọng họ có thể đo được thông số cần thiết cho việc chẩn đoán. Mỗi bit dữ liệu có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin về cảm xúc, sự tập trung, mức năng lượng và trạng thái tinh thần.
Phần lớn tính năng theo dõi sức khỏe trước đây của Apple đều tập trung trên các đồng hồ thông minh. Tuy nhiên, những tính năng này nhiều khả năng sẽ sớm được đưa lên iPhone khi đây là dòng sản phẩm chủ lực của công ty.
Theo các nhà nghiên cứu, dự án hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu và những tính năng mới này có thể sẽ không bao giờ xuất hiện trên các thiết bị của Apple. Ngoài ra, các thuật toán dùng để phát hiện trầm cảm và suy giảm nhận thức vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng hơn để đảm bảo độ chính xác.
Hiện nay, Apple cũng có một dự án nghiên cứu với Đại học Duke nhằm mục đích tạo ra thuật toán nhằm phát hiện chứng tự kỷ ở trẻ em. Theo các tài liệu và những người làm việc cho dự án, thuật toán này sẽ sử dụng camera của iPhone để quan sát cách trẻ nhỏ tập trung và tiến hành phân tích dữ liệu.
Mặc dù nỗ lực mới chỉ ở giai đoạn đầu, các lãnh đạo cấp cao của Apple vẫn rất tự tin với dự án này. Giám đốc điều hành Jeff Williams, người giám sát bộ phận y tế của Apple, chia sẻ tiềm năng của công ty trong việc giải quyết tỷ lệ trầm cảm và lo lắng là rất lớn.
Nếu Apple thành công, công ty cùng các đối tác có thể giúp hàng chục triệu người trên toàn thế giới phát hiện được tình trạng thực tế của mình.
Tuy nhiên, mức độ theo dõi người dùng có thể làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư. Để giải quyết chúng, Apple hướng tới các thuật toán hoạt động trên thiết bị của người dùng và không gửi dữ liệu đến máy chủ của công ty.
Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Theo dữ liệu từ Kaiser Family Foundation, tỷ lệ người trưởng thành lo lắng hoặc có các triệu chứng liên quan đến trầm cảm đã đạt 41% vào tháng 1/2021, gần gấp bốn lần so với con số đầu năm 2019. Ngoài ra, theo ước tính của Hiệp hội Alzheimer, suy giảm nhận thức nhẹ hay nặng hơn là sa sút trí tuệ, hàng năm ảnh hưởng đến khoảng 5 triệu người Mỹ trên 60 tuổi.
Diệu Hương (T/h)