Để trí thức là “binh chủng” đưa đất nước hùng cường

Xác định tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, ngày 6/8/2008, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau đó, Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30/5/2019, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nghị quyết xác định rõ: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”… Do đó, quan điểm chủ đạo là xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.

Để trí thức là “binh chủng” đưa đất nước hùng cường
Ảnh minh họa.

Đánh giá về đội ngũ trí thức sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XIII nhận định: Đây là lực lượng có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ này trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nhân – nông dân – trí thức.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ Chính trị cho rằng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chưa hoàn thiện, đồng bộ. Nghị quyết chậm được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách; thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành; đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; chưa có nhiều cơ sở khoa học, giáo dục, văn hóa, kinh tế mạnh. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo đối với đội ngũ trí thức còn hạn chế, bất cập… Cơ cấu của đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành nghề, khu vực, độ tuổi; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới; chưa nhiều các công trình sáng tạo lớn.

Để khắc phục những hạn chế trên, theo các chuyên gia, điều quan trọng, Ban Chấp hành Trung ương cần ban hành nghị quyết mới về đội ngũ trí thức để làm sao phát huy nguồn lực trí thức kiều bào, trí thức trong nước, tạo thành khối đoàn kết. Đồng thời, có cơ chế chính sách, cơ chế tài chính, cơ chế vị trí việc làm để trí thức yên tâm công hiến. Trí thức phải là “binh chủng” trong hành trình đưa đất nước hùng cường.

Lê Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích