Nghệ An: Tài nguyên bị “rút ruột” trái phép, phạt doanh nghiệp thôi đã đủ?

Nghệ An: Tài nguyên bị “rút ruột” trái phép, phạt doanh nghiệp thôi đã đủ?

Một chủ mỏ đá trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vừa bị UBND tỉnh Nghệ An “tuýt còi” về hành vi lấn chiếm hàng chục nghìn m2 đất để khai thác khoáng sản trái phép…

Hiện trạng mỏ đá của Công ty CP Xây dựng Văn Sơn tại lèn Trụ Hải, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
Hiện trạng mỏ đá của Công ty CP Xây dựng Văn Sơn tại lèn Trụ Hải, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với mức xử phạt hành chính như vậy, liệu rằng có đủ răn đe đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm? Và dư luận đang quan tâm, có hay không tình trạng buông lỏng quản lý, “làm ngơ” của các tổ chức, cá nhân khác khiến nguồn tài nguyên khoáng sản Nhà nước bị thất thoát nghiêm trọng?!

Lấn chiếm hàng chục nghìn m2 đất

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Xây dựng Văn Sơn (là chủ mỏ đá Văn Sơn) ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu về hành vi lấn chiếm đất, khai thác khoáng sản ngoài phạm vi cho phép… với tổng số tiền là 330 triệu đồng.

Trước đó, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường mỏ đá nói trên, đoàn kiểm tra của UBND huyện Quỳnh Lưu phát hiện mỏ đá Văn Sơn đã lấn chiếm đất, khai thác ngoài phạm vi giấy phép nên lập biên bản và đề nghị UBND tỉnh xử phạt.

Trên cơ sở đó, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 192/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 330 triệu đồng đối với Công ty CP Xây dựng Văn Sơn. Được biết, công ty này có địa chỉ ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu; do ông Lê Văn Sơn (61 tuổi), làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc và đồng thời là chủ mỏ đá Văn Sơn, xã Quỳnh Văn.

UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt đối với Công ty CP Xây dựng Văn Sơn với tổng số tiền 330 triệu đồng về các hành vi lấn, chiếm đất và khai thách khoáng sản ngoài phạm vi cho phép
UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt đối với Công ty CP Xây dựng Văn Sơn với tổng số tiền 330 triệu đồng về các hành vi lấn, chiếm đất và khai thách khoáng sản ngoài phạm vi cho phép

Qua thu thập thông tin, chúng tôi được biết, biên bản do đoàn kiểm tra của UBND huyện Quỳnh Lưu lập ngày 9/6/2023 thể hiện rõ nội dung: Mỏ đá Văn Sơn đã lấn, chiếm hơn 63.446,8 m2 đất đồi núi chưa sử dụng tại khu vực nông thôn. Trong đó, làm văn phòng, trạm nghiền, bãi tập kết với diện tích 2.800 m2; khai thác khoáng sản với diện tích lên đến 60.646,8 m2 tại khu vực lèn Trụ Hải, xã Quỳnh Văn.

Với hành vi vi phạm trên, UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 80 triệu đồng. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đá lấn, chiếm.

Không dừng lại ở đó, ngoài ra đoàn kiểm tra còn phát hiện, doanh nghiệp này đã khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác. Minh chứng là Công ty CP Xây dựng Văn Sơn khai thác vượt ranh giới cấp phép là 1,48ha so với giấy phép. Do vậy, UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 250 triệu đồng, buộc cải tạo, phục hồi môi trường; đồng thời thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.

Theo tìm hiểu của PV, mỏ đá Văn Sơn có diện tích hơn 10 ha, khai thác từ nhiều năm qua. Sau khi lập biên bản vi phạm và làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt, mới đây ngày 14/9/2023, đoàn giám sát của HĐND huyện Quỳnh Lưu cũng đã tổ chức giám sát tại 2 mỏ đá ở xã Quỳnh Văn, trong đó có mỏ đá Văn Sơn.

Tại đây, đoàn giám sát đã đề nghị xã Quỳnh Văn cần quan tâm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản; đặc biệt chú trọng khắc phục các tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản ảnh hưởng sinh hoạt của người dân như về tiếng ồn, ô nhiễm bụi, ô nhiễm nước sinh hoạt và nhà ở của dân.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với các cấp, các ngành trong quản lý cũng như xử lý các vi phạm, khắc phục các sự cố có thể xảy ra; duy trì chế độ báo cáo về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản hàng tháng, hàng quý về UBND huyện để vào cuộc xử lý các tình huống và vi phạm vượt trên thẩm quyền của UBND xã.

Được biết, cách đây khoảng 4 năm, Công ty CP Xây dựng Văn Sơn cũng đã bị UBND huyện Quỳnh Lưu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 60 triệu đồng, do “Thực hiện khai thác không đúng trình tự khai thác và hệ thống khai thác xác định trong thiết kế mỏ được duyệt”.

Vai trò, trách nhiệm quản lý?

Thời gian vừa qua, mặc dù các cấp, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã tăng cường kiểm tra, thanh tra và sử dụng nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, trên thực tế thì tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”…

Minh chứng như nội dung đã nêu về việc xử phạt Công ty CP Xây dựng Văn Sơn lấn, chiếm hơn 60.000m2 đất để khai thác khoáng sản trái phép. Hay đơn cử như trước đó, cũng với hành vi vi phạm khai thác lấn, chiếm và vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép, Công ty CP Quỳnh Giang có trụ sở tại xóm 5, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu cũng bị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Theo đó, Công ty CP Quỳnh Giang đã ngang nhiên lấn chiếm 17.781,8m2 đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn (khu vực lèn Hòn Riềng, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu) để làm văn phòng, bãi tập kết, khai thác khoáng sản. Diện tích này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản nhưng doanh nghiệp chưa hoàn thành thủ tục thuê đất.

Trước đó, vào năm 2019, mỏ đá của Công ty CP Xây dựng Văn Sơn cũng đã bị UBND huyện Quỳnh Lưu phạt hành chính 60 triệu đồng
Trước đó, vào năm 2019, mỏ đá của Công ty CP Xây dựng Văn Sơn cũng đã bị UBND huyện Quỳnh Lưu phạt hành chính 60 triệu đồng

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác từ 1,5 ha trở lên. Cụ thể là đã khai thác vượt ranh giới cấp phép là 2,56771ha so với giấy phép số 3513/GP-UBND ngày 12/8/2013 của UBND tỉnh.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy một thực trạng đáng báo động hiện nay, đó là công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn khá lỏng lẻo. Điều này đã tạo ra nhiều “kẽ hở” để các doanh nhiệp lợi dụng khai thác, mua bán trái phép…

Có thể thấy, một khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản ở Nghệ An đang từng ngày bị “chảy máu”, “rút ruột” không thương tiếc để thu lợi bất chính. Thế nhưng, điều mà dư luận đặc biệt quan tâm, đó là có hay không việc “buông lỏng” quản lý, cố tình “làm ngơ” của các tổ chức, cá nhân trong đơn vị hành chính Nhà nước khiến nguồn tài nguyên khoáng sản, vốn dĩ được xem như “báu vật” của quốc gia bị thất thoát nghiêm trọng như vậy?

Còn nhớ, chỉ mới cách đây hơn 3 tháng, ông Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 1562/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 01/6/2023 về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 12/9/2022 và Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 của BTV Tỉnh ủy.

Trong nội dung thể hiện rõ: “Người đứng đầu chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý khoáng sản phải chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo đảm an ninh, trật tự. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Kiên quyết xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm về khoáng sản trên địa bàn…”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích