Chuyển đổi sang sản xuất xanh: Sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam với tiêu chuẩn mới của EU
Thách thức từ tiêu chuẩn mới của EU
EU là một thị trường tiềm năng quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo đà cho tăng trưởng thương mại giữa hai bên, mặc dù có những khó khăn từ thị trường thế giới và sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng.
Mặc dù đã có sự phát triển tích cực trong xuất khẩu sang EU sau 3 năm áp dụng EVFTA (1-8-2020 / 1-8-2023), hàng hóa Việt Nam đối mặt với những khó khăn từ các quy định mới và khó của thị trường EU. Trong số đó, Thỏa thuận Xanh của EU đã được áp dụng nhằm giảm phát thải khí nhà kính và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế.
Trong đó chiến lược từ nông trại đến bàn ăn của EU đòi hỏi sự tuần hoàn của sản phẩm, trong khi CBAM đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU. CBAM yêu cầu nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa và nếu vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp sẽ phải mua chứng chỉ phát thải theo mức giá EU quy định.
EU đã ban hành quy định chống phá rừng có hiệu lực từ ngày 30-12-2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Điều này đặt ra yêu cầu cho các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ… tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Ngoài ra, các sản phẩm da giày từ Việt Nam cũng phải sử dụng da có thể tái tạo và sửa chữa, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của EU. Các sản phẩm dệt may cần sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường và chịu trách nhiệm về cách sản phẩm được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã đang thích ứng với các tiêu chuẩn xanh của EU thông qua nhiều giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh là một quá trình không dễ dàng và đòi hỏi đầu tư, cải tiến công nghệ và thời gian. Do đó, cơ quan quản lý cần phải có giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp.
Tập trung vào uy tín chất lượng sản phẩm
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đã đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang sản xuất xanh. Bà Trang lưu ý rằng nếu hàng hóa của Việt Nam không tuân thủ được các tiêu chuẩn và yêu cầu liên quan đến mô hình xanh và bền vững mà EU đưa ra, thì Việt Nam sẽ không thể tận dụng các ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại.
Cùng với sự nhấn mạnh này, có một số dấu hiệu tích cực cho thấy nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đã và đang tiến hành quá trình xanh hóa, và một phần của các quy định của EU đang được thực hiện. Theo một cuộc khảo sát nhanh, gần 70% các doanh nghiệp Việt Nam đã biết đến chương trình “Từ nông trại đến bàn ăn” của EU trong chiến lược xanh áp dụng cho sản phẩm nông sản và thực phẩm. Gần 80% doanh nghiệp có liên quan đã biết về luật chống phá rừng của EU, và gần 60% doanh nghiệp trong ngành dệt may đã biết đến chiến lược xanh áp dụng cho ngành của họ từ EU.
Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-ASEAN cũng cho rằng để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, điều quan trọng nhất hiện nay là uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu. Khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU thì cần phải giữ ổn định chất lượng sản phẩm, các lô hàng phải đồng đều nhau, tránh tình trạng những lô đầu tốt, những lô sau kém chất lượng là sẽ bị trả về và mất khách hàng.
Với ngành dệt may ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam nói chung và cũng là của Vinatex. Dệt may là một mặt hàng được đánh giá là tác động đến môi trường lớn thứ ba ở EU. Ngày 30/3/2022, khi EU thông qua một chiến lược gọi là phát triển tuần hoàn và bền vững của ngành dệt may thì Vinatex cũng đã ngay lập tức có các cuộc hội thảo để phổ biến trong toàn hệ thống Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Có thể thấy, những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của Liên minh châu Âu (EU) bao trùm hầu hết sản phẩm được xem là thế mạnh của Việt Nam như nông-thủy sản, đồ gỗ, các mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng như dệt may, da giày… Do vậy, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều chung nhận định, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu. Thách thức trước mắt là lớn nhưng cơ hội đi kèm cũng rất lớn nếu chúng ta bắt kịp xu thế. Đây là cơ hội để nâng tầm giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng cho doanh nghiệp Việt.
Duy Trinh