Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98,1% trong tổng số doanh nghiệp nước ta. (Ảnh minh họa)
Tại nước ta, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98,1% trong tổng số doanh nghiệp. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đông đảo, song quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ rất lớn, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thế mạnh của loại hình doanh nghiệp này là thu hồi vốn nhanh, hiệu quả; bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ; có khả năng thâm nhập những thị trường ngách và lĩnh vực sản xuất kinh doanh có lợi nhuận không cao; khả năng ứng biến linh hoạt…
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại và phát triển tự phát, nhỏ lẻ; Thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật; Thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành; Trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, thị trường nhỏ hẹp và năng lực cạnh tranh chưa cao; Còn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, phục vụ sản xuất, kinh doanh; Khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường yếu.
Bàn về vấn đề nâng cao năng suất lao động loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Trần Thị Thanh Tâm – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho biết, năng suất chất lượng là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
“Tăng năng suất lao động giúp làm giảm giá thành sản phẩm, đồng thời cũng đóng góp vào cải thiện chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí về tiền lương trên 1 đơn vị sản phẩm, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều khách hàng, đối tác và mở rộng được thị trường”, bà Trần Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình, trong đó, coi trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, thương mại điện tử.
Đối với phát triển thị trường, doanh nghiệp nên tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cùng đó, trong phát triển sản phẩm, hàng hóa doanh nghiệp phải tìm giải pháp để đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn theo các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Mai Phương