Xuất khẩu quế, hồi sang Canada tăng đột biến

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.

1
Xuất khẩu mặt hàng quế của Việt Nam vào Canada tăng đột biến

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu – EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Tuy giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Theo Bộ Công Thương, một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe… vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Riêng năm tài chính 2022 – 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ.

Quế Việt Nam được thị trường Ấn Độ yêu thích do hàm lượng tinh dầu cao, hương vị đặc trưng. Dù vậy, hầu hết quế Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thô sang nước này và gắn nhãn mác Ấn Độ để xuất khẩu đi các nước với giá trị cao. Do đó, ông Thướng kiến nghị doanh nghiệp nên tăng cường kết nối với đối tác Ấn Độ để học hỏi, áp dụng công nghệ chế biến quế hồi từ nước này nhằm sản xuất được sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Tại thị trường Canada, Thương vụ Việt Nam tại nước này cho biết, kể từ sau Hiệp định CPTTP, xuất khẩu mặt hàng quế của Việt Nam vào địa bàn đã tăng đột biến. Trước năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3, sau Indonesia và Hoa Kỳ về thị phần. Từ năm 2019, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ nhất về giá trị xuất khẩu vào địa bàn, giữ vững vị trí đến nay và chiếm khoảng gần một nửa thị phần quế tại thị trường Canada. Nói cách khác, trong vòng 5 năm sau CPTPP, mặt hàng quế của Việt Nam đã có sự tăng trưởng gần gấp 3 về giá trị kim ngạch với tốc độ lên đến 179%.

2
Xuất khẩu hồi vào Canada tăng từ 117 nghìn USD năm 2018 lên 381 nghìn USD năm 2022

Tương tự, với mặt hàng hồi, kể từ sau CPTTP, xuất khẩu hồi của Việt Nam vào địa bàn đã tăng đột biến, từ 117 nghìn USD năm 2018 lên 381 nghìn USD năm 2022. Trước năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, kể từ năm 2022, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ 6 về giá trị xuất khẩu vào địa bàn.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng dược liệu, Việt Nam không có vị trí đáng kể tại địa bàn. Hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị dược liệu từ các nước. Danh sách các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam có thể kể đến: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Mexico, Maroc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hongkong, Đài Loan, Colombia…

Thời gian tới, để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị, Hiệp hội quế, hồi Việt Nam cần có chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế Cassia của Việt Nam nhằm quảng bá và khẳng định lợi thế của quế Cassia Việt Nam so với quế Ceylon của Nam Á. “Hiện nay một số cửa hàng tại Canada đang bán quế Cassia và đặt tên riêng là Quế Sai gon để phân biệt với Quế Ceylon”- Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành hàng khác, để gia tăng giá trị chế biến sâu và đưa vào thị trường những sản phẩm mới, chẳng hạn như: Mật ong hoa quế trộn bột quế, nến thơm tinh dầu quế, dầu tắm xông quế, trà xanh hương quế…

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích