Đắk Lắk: Luật Quy hoạch đô thị đi vào cuộc sống
(Xây dựng) – Hơn 10 năm triển khai Luật Quy hoạch đô thị, Đắk Lắk đã phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại. Nhưng qua thực tiễn áp dụng, hệ thống pháp luật quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng dần xuất hiện những tồn tại, mâu thuẫn cần sửa đổi để phù hợp với thực tế tại địa phương.
Thành phố Buôn Ma Thuột được quy hoạch tương lai trở thành đô thị thông minh, đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (Nguồn: Internet). |
Những kết quả đạt được
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 là một trong những nội dung trong Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật của tỉnh Đắk Lắk. Chú trọng xây dựng lực lượng tuyên truyền viên pháp luật về xây dựng, tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ Xây dựng tổ chức. Qua đó, đã phổ biến công tác quản lý xây dựng đến lực lượng cán bộ xây dựng cấp xã.
Theo số liệu tính đến ngày 06/8/2021, tỉnh Đắk Lắk có 01 thành phố, 01 thị xã thuộc tỉnh, 12 thị trấn thuộc huyện và 152 xã. Tỷ lệ đô thị hóa trên 24,7%. Về quy hoạch đô thị đạt tỷ lệ 100% các đô thị trên địa bàn tỉnh được lập và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị, với diện tích khoảng 27.841ha, bao gồm 16 đô thị và 02 trung tâm huyện lỵ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, làm cơ sở để phát triển đô thị bền vững. Quy hoạch chung đô thị hình thành mới đến năm 2021 gồm 04 đô thị với tổng diện tích là 2.021ha.
Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn toàn tỉnh đạt 57,49%. Trong đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đạt 58,25%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đạt 21,84%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đạt 18,49%. Về quy hoạch chung nông thôn thì đến năm 2020, tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch chung nông thôn đạt 100%.
Về thời hạn lập quy hoạch, phần lớn (trên 90%) quy hoạch chung nông thôn được lập và phê duyệt cho giai đoạn 2010 – 2020. Đến hết 6 tháng đầu năm 2021, các địa phương tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện lập nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung nông thôn. Số huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát 03/15 địa phương cấp huyện. Tổng số xã tổ chức lấy ý kiến nhiệm vụ rà soát quy hoạch 27/152 xã (chiếm gần 17%).
Nguồn kinh phí lập quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Kế hoạch giai đoạn 2015-2020, dự toán ngân sách cho công tác quy hoạch xây dựng khoảng 194 tỷ đồng; ngân sách tỉnh khoảng 22,05 tỷ đồng (chiếm 11,37%), ngân sách huyện khoảng 157,5 tỷ đồng (chiếm 81,19%); nguồn vốn xã hội hóa khoảng 14,45 tỷ đồng (chiếm 7,44%).
Ngoài ra, công tác lập quy hoạch xây dựng từ nguồn kinh phí tài trợ trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với tổng số 19 đồ án, tổng diện tích lập quy hoạch xây dựng khoảng 2.330,22ha; trong đó: Quy hoạch phân khu gồm 04 đồ án, tổng diện tích khoảng 1.517,84ha; Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gồm 15 đồ án, tổng diện tích lập quy hoạch xây dựng khoảng 812,38ha.
Những bất cập, mâu thuẫn
Mới đây, trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật quy hoạch đô thị, Sở Xây dựng đã chỉ ra một số bất cập, tồn tại, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các pháp luật chuyên ngành liên quan và pháp luật về quy hoạch xây dựng. Theo ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở Xây dựng: Đối với công tác quy hoạch đô thị thì trách nhiệm lập quy hoạch và kinh phí lập quy hoạch chi tiết được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị 2009 “Kinh phí từ ngân sách Nhà nước được sử dụng để lập và tổ chức thực hiện quy hoạch… chi tiết không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh”. Tiếp đến, tại khoản 7 Điều 19 quy định “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”. Tuy nhiên, thực tế tại một số dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị theo hình thức đấu giá, lúc này chưa có chủ đầu tư. Vì vậy, việc xác định kinh phí và trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết còn khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ngoài ra, đối với công tác lập quy hoạch chung cho đô thị mới thì phần lớn định hướng phát triển các đô thị mới từ các xã có tốc độ đô thị hóa cao, điểm phát triển lõi đô thị mới từ trung tâm xã, tiêu chí đô thị loại V (chỉ cần 2 loại quy hoạch chung và chi tiết). Tuy nhiên tại Điều 28 có quy định: “Đồ án quy hoạch chung đô thị mới: tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000. Đồ án quy hoạch chung đô thị mới được duyệt là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị mới”, việc lập đủ 3 loại (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) là chưa thống nhất quy hoạch thị trấn làm kéo dài thời gian lập quy hoạch.
Bên cạnh đó, quy định về loại đô thị được Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật riêng tại khoản 2 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị 2009: “Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật là một nội dung trong đồ án quy hoạch chung,…; đối với thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập riêng thành đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật”. Theo quy định này, đô thị loại I thuộc tỉnh không được lập riêng quy hoạch chuyên ngành Hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014: “…Các đô thị tỉnh lỵ (từ loại III trở lên) nếu quy hoạch thoát nước trong quy hoạch đô thị đã được phê duyệt chưa đủ điều kiện để lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và kêu gọi đầu tư thì UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước…”. Chính sự chưa thống nhất này rất khó khăn cho thành phố Buôn Ma Thuột khi đề xuất lập quy hoạch thoát nước phù hợp với kêu gọi đầu tư và địa hình chia cắt của vùng Tây Nguyên do không được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị.
Về nội dung Quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng 2014: Đối tượng lập quy hoạch xây dựng khu chức năng được quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 “Khu chức năng bao gồm khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao”. Trong thực tế, nhiều khu chức năng có quy mô sử dụng đất lớn, với nhiều loại đất và hình thức giao đất cần quy hoạch xây dựng khu chức năng như khu nông nghiệp công nghệ cao, khu năng lượng.
Đề xuất và kiến nghị
UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng với những tồn tại, mâu thuẫn được chỉ ra ở trên thì thời gian tới đây các cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cho biết: Về Luật Quy hoạch đô thị cần mở rộng đối tượng lập quy hoạch. Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 kinh phí lập quy hoạch từ ngân sách và chủ đầu tư. Tuy nhiên, một số khu đô thị, khu dân cư có nhu cầu phát triển dự án theo danh mục dự án được HĐND tỉnh thông qua, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tổ chức lập quy hoạch có sự giám sát của các cơ quan Nhà nước cáp tỉnh, huyện. Vì vậy, kiến nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 12 theo hướng Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia tổ chức lập quy hoạch có cơ chế quản lý của nhà nước. Đồng thời, bên cạnh chính sách khuyến khích, cần bổ sung cơ chế ưu đãi, như được tính kinh phí lập quy hoạch vào tổng mức đầu tư khi được chọn làm chủ đầu tư thông qua kết quả đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá dự án…
Về thành phần đồ án quy hoạch xây dựng đô thị mới tại khoản 2 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định “Đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, được đầu tư xây dựng từng bước đạt các tiêu chí của đô thị theo quy định của pháp luật. Tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị: “Đô thị được quy hoạch và đầu tư xây dựng đạt tiêu chí của loại đô thị nào thì được xem xét, đánh giá theo loại đô thị tương ứng”. Do đó, kiến nghị cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung theo hướng lập quy hoạch chung (hoặc phân khu) tỷ lệ 1/2.000 khu vực trung tâm đô thị mới, quy mô dân số tương ứng đô thị loại V (4.000 người) làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết và và lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị mới”, ông Cảnh chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng có văn bản kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị 2009 theo hướng mở rộng đối tượng lập quy hoạch đến đô thị loại I thuộc tỉnh, tùy theo điều kiện, nhu cầu quản lý và phát triển hạ tầng đô thị.
Giám đốc Sở Xây dựng, Nguyễn Văn Lập cho biết: Đối với các nội dung quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng 2014 cũng cần bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể: Cần bổ sung khoản 25 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 theo hướng mở rộng đối tượng lập quy hoạch xây dựng khu chức năng (Khu nông nghiệp công nghệ cao, khu khai thác năng lượng có sử dụng diện tích đất lớn…).
Đồng thời, bổ sung Điều 3 nội dung về “Thời hạn hiệu lực của quy hoạch xây dựng là khoảng thời gian được tính từ khi đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc hủy bỏ”, để phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Về kinh phí lập quy hoạch xây dựng cũng cần điều chỉnh để phù hợp với Luật Quy hoạch: Tại khoản 1 Điều 9 Luật Quy hoạch 2017: “Chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công”; vì vậy, đối với quy hoạch xây dựng cần bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch vốn cho công tác quy hoạch giai đoạn trung hạn theo các quy định về đầu tư công.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra các giải pháp để tổ chức thi hành Luật hiệu quả, bao gồm: Xác định mục tiêu, tính chất, định hướng quy hoạch xây dựng được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa tại tỉnh Đắk Lắk đạt trên 35% (Nguồn: Internet). |
Mặt khác, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong việc lồng ghép các mục tiêu phát triển trong các đồ án quy hoạch xây dựng, nhằm triển khai và thực hiện quy hoạch có tính chất đa mục tiêu, tạo điều kiện huy động các nguồn lực tham gia như: Lồng ghép quy hoạch xây dựng với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, mục tiêu đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh…
Đồng thời, xây dựng quy trình tăng cường sự phối hợp từ quá trình lập nhiệm vụ – Thiết kế quy hoạch – thu thập ý kiến cộng đồng, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng. Chú trọng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quản lý quy hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch xây dựng cấp tỉnh, huyện theo phân cấp.
Tới đây, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra các giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa hệ thống pháp luật quy hoạch; lấy mục tiêu phát triển nâng cao chất lượng đô thị và cuộc sống của nhân dân theo chuẩn mực quốc tế. Luật Quy hoạch đô thị được sửa đổi bổ sung sẽ tạo nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế phát triển.
Nguồn: Báo xây dựng