Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế, cao nhất 6%

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội, với tăng trưởng GDP quý III ước đạt 5,33%; 9 tháng ước đạt 4,24%, câu hỏi được đặt ra là kịch bản kinh tế quý IV và cả năm 2023 sẽ như thế nào?

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nước ta còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.

Cụ thể, có 3 kịch bản được đưa ra, trong đó cao nhất là 6%.

Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng  10,6%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của quý IV và cả năm 2023

“Tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 4,9%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 4,7% trong năm 2023.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,8% (tháng 4/2023) về mức 4,7% trong năm 2023. HSBC đánh giá triển vọng đầu tư nước ngoài và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi tốt.

Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, đạt mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024.

Đánh giá về cơ hội của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường, như sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát…

Cùng với đó, rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán… cũng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích